/ 51
130

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 33

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore

Mời mở kinh văn, Khoa Chú quyển trung, trang 138:

Hựu ư quá khứ hữu Phật xuất thế, hiệu Ba-đầu-ma Thắng Như Lai. Nhược hữu nam tử nữ nhân, văn thị Phật danh lịch ư nhĩ căn, thị nhân đương đắc thiên phản sanh ư Lục Dục thiên trung, hà huống chí tâm xưng niệm.

Đây là Địa Tạng Bồ-tát giảng cho chúng ta về đức hiệu của vị Phật thứ ba, thời gian so với vị Phật thứ hai nói ở phía trước còn lâu xa hơn. Danh hiệu của vị Phật này là Ba-đầu-ma Thắng Như Lai. “Ba-đầu-ma” là tiếng Phạn, nghĩa là hoa sen màu đỏ. Trong kinh đức Phật nói, thông thường nói hoa sen bốn màu, trên thực tế hoa sen không phải chỉ có bốn màu, bốn màu có thể nói là bốn màu cơ bản, nếu pha trộn bốn màu lại với nhau thì sẽ biến thành vô lượng vô biên màu sắc. Trong kinh nói, trong tất cả màu thì màu đỏ đẹp nhất, đương nhiên đây là nói dựa trên tập quán của chúng sanh, Phật pháp là pháp bình đẳng, nhưng chúng sanh thích màu đỏ hơn, có lẽ Ấn Độ thời xưa cũng là như vậy, người Trung Quốc cũng thích màu đỏ, nhưng người ngoại quốc không nhất định thích màu đỏ; do đó, rốt cuộc màu nào đẹp nhất, cái này rất khó nói, hoàn toàn dựa trên sự ưa thích của chúng sanh. Đây là thời đó, hoàn cảnh của Ấn Độ và Trung Quốc cũng là như vậy, đều thích hoa sen màu đỏ.

Giả sử nói có người nam, người nữ nghe đến danh hiệu này, vừa nghe qua tai liền có được quả báo thù thắng như vậy, tu nhân được quả, chúng ta có thể tin hay không? Do đó, mấu chốt vẫn là ở chữ “văn”, quan trọng ở văn. “Văn thị Phật danh, lịch ư nhĩ căn”, tám chữ này rất quan trọng. “Văn” không phải là chúng ta nghe người ta niệm Phật, chúng ta nghe xong, làm gì có lợi ích thù thắng như vậy! Nghe danh này, thông thường chỉ có thể nói “vừa nghe qua tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo”, công đức đó đích thực cũng rất thù thắng. Nhưng muốn được một ngàn lần sanh về trời Lục Dục hưởng phước báo, đây là chuyện không thể có được; chỉ là gieo một hạt giống thành Phật trong a-lại-da thức mà thôi, giống như trong kinh Pháp Hoa nói “vừa xưng Nam-mô Phật thì đều thành Phật đạo”, là ý nghĩa này.

Nếu như “văn” là văn trong ba tuệ, thì quả báo đó sẽ hiện tiền, nghe danh hiểu nghĩa, không phải là không hiểu nghĩa. Hoa sen màu đỏ có thể hiểu là nghĩa này, hoa sen mọc từ bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, họ từ chỗ này giác ngộ trở lại, bản thân sống trong hồng trần, sống trong lục đạo, đặc biệt là trong Dục giới, có thể không nhiễm ngũ dục lục trần, công đức ấy sẽ lớn. Nếu như có thể đem ngũ dục lục trần đều buông xuống thì quả báo của họ sẽ không chỉ ở trời Dục giới, họ sẽ chứng quả, họ đối với dục trần của thế gian đã nhạt, đã nhẹ, không phân biệt chấp trước như trước, cho nên họ có thể từ cõi người siêu sanh đến cõi trời, đạo lý là ở chỗ này. “Lịch ư nhĩ căn” nghĩa là họ nhớ trong tâm, nghe đến danh hiệu này thì trong tâm họ có sự giác ngộ.

Trong chú giải cũng chú rất hay, trang 139 hàng thứ 2, chúng ta đọc đoạn này: “Nói rõ, ai nghe được danh hiệu, tuy sanh trời Dục giới”, tuy là sanh đến trời Dục giới, “thật sự không chấp trước ngũ trần thô tế”, đối với ngũ dục lục trần thô tục, họ đã không còn chấp trước, có thể buông xuống; “Bởi vì rời khỏi tánh nghe vốn là không, sanh lên trời cũng là tịch; do chỗ không chính là giả, quyền biến thị hiện thân trời để độ những kẻ thật sự sanh lòng chấp trước vào dục”. Vừa nghe liền khai ngộ, khai ngộ xong họ đích thực có năng lực siêu việt, nhưng lòng từ bi của họ rất nặng, họ còn lưu lại trời Dục giới để độ những chúng sanh còn đang tham trước hưởng thụ ngũ dục, độ những chúng sanh này. Trời Dục giới vẫn còn ngũ dục lục trần, Chẳng qua là mỏng nhạt hơn nhân gian mà thôi. Sáu tầng trời Dục giới càng lên cao càng mỏng nhạt. Chú giải đoạn sau nói được rất hay, “sen Phật có ngàn cánh, tiêu biểu cho thiên pháp minh môn, cho nên gọi là thiên phản”. Cho nên, “thiên phản” cũng không phải thật sự chỉ cho một ngàn lần, không phải như vậy, đây là biểu pháp. Chỗ này là biểu pháp, chúng ta phải hiểu được, chỗ nào cũng là biểu pháp. Nghe pháp quan trọng ở chỗ ngộ nhập, nếu như không thể ngộ nhập, thì bạn sẽ không được lợi ích này, thật sự ngộ nhập thì mới được lợi ích. Cho nên niệm danh hiệu Phật, đối với ý nghĩa của danh hiệu không thể không biết, đặc biệt là công đức của danh hiệu A-di-đà Phật không thể nghĩ bàn, tại sao không thể nghĩ bàn? Không thể nghĩ bàn ở chỗ nào? Nếu bạn có thể rõ ràng, có thể sáng tỏ, có thể nói ra được thì sau đó bạn mới chân thật có cảm nhận, khế nhập cảnh giới này. Đoạn cuối nói “hống hồ là chí tâm xưng niệm”, chí tâm xưng niệm hồi hướng Tịnh độ chắc chắn sẽ được vãng sanh, đây là việc chúng ta nhất định phải biết. Chí tâm nghĩa là nhất tâm xưng niệm, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều không còn, cho dù chưa có đoạn hết nhưng cũng rất mỏng nhạt, lúc này mới có thể chí tâm xưng niệm. Chí là chuyên chí. Xem đoạn tiếp theo:

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51