/ 40
243

ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI

CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC

TẬP 15

Chúng ta làm thế nào để khuyên người anh này? Trịnh Quân tự mình đi làm đầy tớ cho người ta, bắt đầu làm từ công việc thấp hèn nhất. Sau khi làm được một năm thì dùng toàn bộ số tiền kiếm được từ sức lao động của mình đưa cho người anh. Ông nói với người anh: “Chúng ta thiếu thứ gì thì chỉ cần dựa vào sức lao động của mình kiếm được tiền là sẽ mua được thôi. Nhưng nếu như danh dự của một người mất đi rồi thì cả đời xem như mất hết”. Người anh thấy em mình vì muốn khuyên mình mà đi làm đầy tớ cho người ta cả một năm trời nên rất hổ thẹn, từ đó thay đổi thái độ của mình và trở nên rất thanh liêm. Sau đó Trịnh Quân cũng phát triển rất tốt, làm đến chức Thượng Thư (tương đương với Tể Tướng). Người có hiếu, có đễ thì tất nhiên sẽ tận trung với nước. Ông cũng thường hay can gián vua. Vua cũng rất cảm kích sự phò trợ của ông, phong cho ông danh hiệu “Bạch Y Thượng Thư” và ban cho ông rất nhiều bổng lộc, khi về già ông vẫn được hưởng bổng lộc của chức Thượng Thư.

Quý vị thấy, để khuyên can anh của mình mà Trịnh Quân đi làm đầy tớ, như vậy có phải ông đã chịu thiệt thòi không? Không! Cái gọi là: “Tâm là ruộng phúc”, một người thật sự dùng đạo đức để tu thân hành đạo thì phúc phần của họ chắc chắn sẽ càng tích càng dày. Không phải không có báo đáp mà do thời gian chưa đến, khi thời gian đã đến rồi thì phúc phần của họ không thể chạy đi đâu được. Người xưa nói: “Thiệt thòi là phúc”. Câu nói này rất có ý nghĩa.

Trên đây là nói về sự khuyên can giữa anh em.

Khuyên bạn bè

Trong quan hệ ngũ luân còn có một mối quan hệ nữa là quan hệ bạn bè. Tôi đã từng cùng với chú Lư đi thăm một người bạn của chú. Tôi cũng cảm thấy rất kỳ lạ, nhiều chuyện rất đặc sắc tôi đều gặp được. Tôi cùng chú Lư đi tìm người bạn này của chú. Chú và người bạn này đã quen biết nhau mười bảy năm. Lần đó chú còn mang theo rất nhiều Kinh điển Thánh Hiền, có quyển để cho con của người bạn đó xem, có quyển để tặng cho người bạn của chú, có quyển để cho vợ của bạn chú xem. Trên đường đi, chú Lư nói với tôi chú quen biết người bạn này đã mười bảy năm. Người bạn này đã từng làm ăn rất hưng thịnh, tài sản rất nhiều, nhưng lúc đó chú đã nhìn thấy được người bạn ấy rất có khả năng về sau sẽ không thể giữ được tài sản này. Bởi vì, khi một người trong lúc có rất nhiều tiền sẽ nhiễm phải thói quen xa xỉ, như thế tiền tài nhiều bao nhiêu cũng sẽ suy bại hết. Hơn nữa, không chỉ nhiễm phải thói quen xa xỉ, rất có khả năng còn ngạo mạn nữa. Loại thói quen xấu tự cao tự đại đó sẽ hình thành trong quá trình này. Khi một người ngạo mạn thì họ sẽ khinh suất, rất có khả năng sẽ đưa ra những phán đoán sai lầm, tiền có nhiều đi nữa cũng sẽ tiêu hết. Sau đó thật sự sự nghiệp của ông cũng dần sa sút, còn phải gánh thêm nợ. Khi ông rơi vào cảnh nợ nần thì không thấy bạn bè đâu cả. Thật ra “phúc họa nương nhau”. Tài sản hết rồi cũng sẽ khiến ông học được bài học: “Bạn bè chân chính không phải dùng tiền mà có thể mua được”. Trong lúc ông rơi vào cảnh khốn cùng, chú Lư mỗi tuần lái xe mấy tiếng đồng hồ đến giúp ông giải quyết vấn đề tài chính. Chú không chỉ không nhận tiền mà còn bỏ tiền túi của mình để đi tới đi lui giúp ông xử lý rất nhiều việc. Trong quá trình này, chú Lư đã xây dựng niềm tin và tình nghĩa ngày càng sâu hơn với bạn. Chú phải đợi đến mười bảy năm, khi nhân duyên đã chín mùi.

Một người thật sự muốn trải qua cuộc sống viên mãn thì tuyệt đối không phải có bao nhiêu tiền, có bao nhiêu quyền thế, mà là có bao nhiêu trí tuệ. Tôi đã may mắn ngồi trên chuyến xe này, cũng cảm nhận được chú Lư có thể dùng mười bảy năm để trợ giúp cho một người bạn. Vì vậy “chớ tự chê, đừng tự bỏ”, tôi phải noi gương chú ấy. Khi chúng tôi khuyên can người khác, giúp đỡ người khác, cảm thấy mình có một chút thiếu nhẫn nại thì liền nghĩ đến con số “mười bảy năm”. Sau đó tôi cảm thấy rất hổ thẹn, lại nhớ đến đạo nghĩa đối với bạn bè mà tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ.

Ngoài ra, lúc ở bên Úc, tôi cũng nhìn thấy chú Lư rất khéo léo khi khuyên can bạn bè bên cạnh. Lúc chúng tôi đến Úc, có khoảng tám - chín người cùng ở chung một phòng. Tám - chín người đàn ông ở chung sẽ phát sinh chuyện trên bàn có rất nhiều rác (không phải do tôi vứt ra), rất lộn xộn. Tôi thấy chú Lư không nói một câu nào. Nếu chú mỗi ngày nhìn thấy mọi người sau khi nói chuyện xong mà trong phòng, trong nhà tắm hoặc là trên bồn rửa tay có rác thì chú liền tự mình âm thầm đi dọn dẹp tất cả, còn lau chùi bệ rửa một cách khô ráo, sạch sẽ thì chú mới đi ngủ. Ngày nào cũng như ngày nào, chú đều làm như vậy. Chú làm khoảng chừng bốn - năm ngày thì bỗng nhiên có một người bạn đứng lên nói: “Các anh cứ vứt lung tung như thế, các anh không nhìn thấy người ta mỗi ngày dọn dẹp sạch sẽ như vậy cho các anh sao! Các anh cũng không cảm thấy quá đáng sao!”. Mọi người đều rất hổ thẹn, đều cúi mặt xuống. Từ đó về sau sạch sẽ hơn nhiều. Chú Lư không dùng lời nói để dạy mà dùng hành động để dạy, khiến mọi người đều cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường sạch đẹp. Quả thật trong thế giới của người trưởng thành, điều quan trọng nhất vẫn là trước tiên tự mình phải làm tấm gương tốt thì tự nhiên có thể cảm hóa được người khác.

/ 40