/ 51
290

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 35

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

Tập 1531

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, đoạn kệ tụng thứ sáu, tiểu đoạn thứ hai, tức phần Đổ Sự Cảnh Nguyện (睹事境願, những nguyện phát khởi khi thấy cảnh và sự).

  Hôm qua, chúng tôi đã nói đến nguyện thứ ba. Ba bài kệ một, hai, ba rất dễ khơi gợi mọi người, [bởi lẽ], trong cuộc sống hằng ngày, hầu như mỗi ngày chúng ta đều có thể gặp [những chuyện ấy]. Khi gặp, có thể dấy lên nguyện tâm hay chăng? Rất khó! Khó ở chỗ nào? Cổ nhân nói: “Chỗ sống, chỗ chín chẳng chuyển được”. Tập khí phiền não của chúng ta đã dưỡng thành thói quen, rất thân thuộc. Do vậy, bất luận trong cảnh giới, bất luận nơi chốn nào, khởi tâm động niệm luôn tùy thuận phiền não, chẳng có cách nào tùy thuận Tánh Đức.

  Một trăm bốn mươi mốt nguyện này, nguyện nào cũng đều là Tánh Đức. Hiện thời, tập khí phiền não của chúng ta đã chín muồi, quá thuần thục, còn Tánh Đức hết sức xa lạ! Ở đây, Phật, Bồ Tát nói với chúng ta, chúng ta nghe dạy cũng hết sức hoan hỷ, nhưng chớp mắt là quên bẵng! Trong cuộc sống hằng ngày, khi gặp gỡ những người hoặc sự vật ấy, vẫn tùy thuận phiền não, chẳng có cách nào tùy thuận tự tánh. Những chỗ này cũng gọi là “công phu chẳng đắc lực”. Vì sao công phu chẳng đắc lực? Do chẳng thể chuyển cảnh giới, có nghĩa là quý vị chẳng quay đầu được! Quay đầu là bờ, “bờ”“bờ kia” (彼岸, bỉ ngạn) của Bồ Tát, là “bờ kia” của Phật Đà. Nay chúng ta đang ở bên nào? Chúng ta đứng đối diện, đối diện Phật, Bồ Tát, [thuộc về] bờ phàm phu, bờ lục đạo luân hồi! Nếu chẳng chuyển lại được, nếu chúng ta hỏi: “Niệm Phật có thể vãng sanh hay không?” Thưa cùng chư vị, [nếu như] chẳng chuyển lại được, dẫu niệm Phật, chẳng thể vãng sanh! Nói thật đấy, chẳng giả đâu nhé!

  Chẳng phải là Tịnh Tông nói “đới nghiệp vãng sanh” ư? Không sai! Trong kinh cũng nói như thế, tổ sư đại đức cũng thường dạy chúng ta như thế; nhưng quý vị phải ghi nhớ: Nói “đới nghiệp” (帶業, mang theo nghiệp) chính là “đới cựu nghiệp” (mang theo nghiệp cũ), là mang theo tập khí, chẳng phải là mang theo hiện hành. “Hiện hành” (現行) chính là khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác trong hiện tiền, chẳng thể mang theo những thứ ấy! Nói cách khác, hạn độ thấp nhất để niệm Phật vãng sanh là phải khống chế hiện hành; điều đó được gọi là “chế phục phiền não”. Chẳng đoạn phiền não, nhưng ta có năng lực khống chế nó, khiến cho nó chẳng khởi tác dụng, như vậy thì mới hữu dụng. Vừa niệm Phật, vừa nổi nóng, làm sao có thể vãng sanh cho được? Làm sao có thể cảm ứng cho được? Vừa tụng kinh, vừa nghĩ đến chuyện xấu. Đấy là nghiệp chướng quá nặng, chẳng thể chuyển được, phiền toái ở chỗ này. Chúng ta chớ nên không biết!

  Có cần phải dụng công hay không? Thật sự phải dụng công! Ta chẳng chuyển được! Chẳng chuyển được là do công phu chẳng đắc lực, vẫn phải tăng cường, quyết định chẳng có ngờ vực! Nếu quý vị có ngờ vực, sai mất rồi, quyết định chẳng có ngờ vực! Nói thật ra, công phu vẫn phải tăng cường. Chẳng phải là không có công phu, mà là chưa đủ độ mạnh. Vì thế, chẳng chuyển được! Cái tâm cảnh giác không đủ; đấy là do ngu si nặng nề, chẳng thấu triệt giáo lý. Phải đọc kinh cho nhiều, nghe kinh cho nhiều, chuyện này quan trọng lắm, tri kiến đấy nhé! Chánh tri chánh kiến sẽ hướng dẫn quý vị có chánh ngữ, chánh hạnh, hết thảy đều là chánh. Tà tri tà kiến hướng dẫn quý vị, hết thảy sẽ đều là tà. Kẻ học Phật mấy chục năm nhưng chẳng thể chuyển cảnh giới rất nhiều! Tịnh Tông coi trọng thật thà niệm Phật. Phàm là người hành trì thật thà, chẳng có ai không thành tựu! Chúng ta hãy ngẫm lại chính mình, nói thật sự là chẳng thật thà! “Chẳng thật thà” là gì? Chẳng nghe lời! Chẳng nghe theo lời đức Phật dạy! Hằng ngày đọc, hằng ngày nghe, chẳng làm theo; niệm thì cứ niệm, nghe thì cứ nghe, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, quên sạch sành sanh! Vậy thì làm sao được nữa đây?

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51