/ 51
295

Đại Phương Quảng Phật

Hoa Nghiêm Kinh

Phẩm thứ mười một,

Tịnh Hạnh Phẩm

Phần 22

大方廣佛華嚴經

(十一)淨行品

Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không

Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội

Khởi giảng từ ngày mồng Bảy tháng Mười Một năm 2005

Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Giảo duyệt: Đức Phong, Huệ Trang và Minh Tiến

Tập 1505

 

  Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mọi người hãy ngồi xuống. Xin xem phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một, bài kệ thứ bảy[1] trong phần mười một bài kệ nói chung của hàng tại gia. Hôm qua, chúng tôi đã bỏ sót, hôm nay chúng tôi [giảng] bổ sung bài kệ ấy.

 

  (Kinh) Trước anh lạc thời, đương nguyện chúng sanh, xả chư ngụy sức, đáo chân thật xứ.

  (經)瓔珞時。當願眾生。捨諸偽飾。到真實處。

  (Kinh: Khi đeo anh lạc, nguyện cho chúng sanh, bỏ trang sức giả, đến chỗ chân thật).

 

  Trong chú giải, Thanh Lương đại sư đã chú thích.

 

  (Sớ) Tại cảnh viết anh, tại thân viết lạc, lạc dĩ trì y, anh dĩ hệ quan.

  (疏)在頸曰瓔,在身曰珞,珞以持衣,瓔以繫冠。

  (Sớ: Nơi cổ gọi là Anh, nơi thân gọi là Lạc. Lạc để buộc áo, Anh để buộc mũ).

 

  Đấy là giới thiệu về Anh Lạc thời cổ. Chúng ta đọc xong, bèn hiểu Anh (瓔) là dây buộc mũ. Thời cổ, hễ đội mũ thì hai bên có dây để buộc, [sợi dây] đó gọi là Anh. Lạc (珞) là thứ để đeo trên thân. Ví như người xuất gia chúng ta đeo chuỗi tràng hạt, coi như là Lạc. Cái vòng móc áo ca-sa cũng coi như là Lạc. Thời cổ, nam nữ đều đeo Anh Lạc; hiện thời, đàn ông đội mũ không nhiều lắm. Dẫu đội mũ, cũng không có dây buộc. Trừ phi vào lúc tiết Đông rất lạnh, ở phương Bắc dường như còn có, những nơi khác thường là rất hiếm thấy. Nói chung, những thứ ấy đều là vật trang sức, là vật trang sức để đeo trên thân thể.

  Đức Phật dạy chúng ta: Trông thấy những vật trang sức ấy, hoặc khi chính chúng ta đeo những vật trang sức ấy, phải biết phát nguyện, “đương nguyện chúng sanh, xả chư ngụy sức” (nguyện cho chúng sanh, bỏ các thứ trang sức hư ngụy). Những thứ trang sức ấy đều chẳng thật. Không chỉ là trang sức chẳng thật, trong kinh Đại Thừa, đức Phật thường dạy chúng ta: Ngay cả thân thể này cũng chẳng thật. Không chỉ là thân thể chẳng thật, mà vạn sự vạn vật trên thế giới này cũng chẳng thật, phải biết điều này! Trên thân có đồ trang sức, trong các kiến trúc có những vật trang sức. Hiện thời, vào dịp lễ tết, tết Âm Lịch sắp đến, chúng ta thấy khá nhiều nơi có rất nhiều vật trang trí vào dịp Tết. Phàm là trông thấy những thứ ấy, phải dấy lên nguyện này, “đương nguyện chúng sanh, xả chư ngụy sức, đáo chân thật xứ” (nguyện cho chúng sanh, bỏ các thứ trang sức hư giả, đạt đến chỗ chân thật).

  Cảnh giới trong câu thứ hai có phạm vi rộng lớn vô lượng. “Chúng sanh” không chỉ là nói về chúng ta trong hiện tiền, cũng không chỉ là nói về chúng ta trên quả địa cầu này, hoặc trong thế giới Sa Bà này, mà là như đã nói trong các phẩm Hoa Tạng Thế Giới và Thế Giới Thành Tựu trong phần đầu kinh Hoa Nghiêm: Tất cả hết thảy chúng sanh trong vô lượng vô biên vô tận vô số các cõi Phật khắp pháp giới hư không giới. Tâm lượng ấy to cỡ nào! Đấy là tâm lượng của Tỳ Lô Giá Na Phật. Tỳ Lô Giá Na Phật (Vairocana) đại biểu cho mỗi chúng sanh, Tỳ Lô Giá Na Phật là ai? Là Pháp Thân của chính hết thảy chúng sanh, Lô Xá Na Phật (Locanā) là Báo Thân của chính mình. Khắp pháp giới hư không giới là một Thể. Chúng ta nói là “một sanh mạng cộng đồng thể” hãy còn xa lắm! Nếu nói chân thật, [sẽ là] một Thể. Toàn thể vũ trụ là một Thể, tâm lượng của quý vị mới có thể mở rộng.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 51