/ 128
506

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 110

 

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 98:

Phận ngoại doanh cầu. Lực thượng thi thiết.” (Cầu mong quá phận. Dốc hết sức bày vẽ, tạo tác). Hai câu này cũng thuộc về phần “điều ác do bất nhân”.

Phận ngoại” là vượt ngoài bổn phận, nghĩa là mong cầu quá độ. “Lực thượng thi thiết”, “lực” là năng lực của bạn, không lưu giữ lại chút nào, gọi là ép người quá đáng, việc này là sai, hay nói cách khác là không biết khiêm nhường, đây là ý nghĩa tổng quát. Trong tiểu chú nói rất hay, các vị xem qua thì sẽ hiểu rõ. Loại hành vi, tâm thái này đều là tổn phước. Sau khi chúng ta hiểu rõ đạo lý này, nhất định phải giác ngộ.

Con người trong thế gian này thời gian rất ngắn tạm, trăm năm như khảy móng tay, hà tất trong khoảng thời gian ngắn ngủi này không bao dung người khác, mà còn tạo tác hết thảy tội nghiệp, đây là ngu si đến cùng cực. Trong kinh Phật thường hay nói là “kẻ đáng thương xót”. Bậc chính nhân quân tử thì việc gì cũng nhẫn nhường, việc gì cũng lui về sau, nên phước báo nhận được là vô cùng tận. Phàm là kẻ không nhường nhịn người khác đều có tướng bạc phước, những người như vậy chúng ta không nên toan tính hơn thua với họ. Xã hội hiện tại, nếu các vị bình tâm quan sát thì sẽ thấy có những nguy cơ rất lớn đang chờ chực, hơn nữa những nguy cơ này theo sự quan sát của chúng tôi thì không bao lâu nữa chúng sẽ bộc phát.

Mấy tháng trước, tôi xem tạp chí Mộ Tây của Los Angeles, trong đó có một bài “Thống kê tỷ lệ phạm tội của thanh thiếu niên nước Mỹ”, tôi xem mà vô cùng kinh ngạc. Sự việc này nếu không thể cải thiện thì nước Mỹ của hai mươi, ba mươi năm nữa sẽ không thể tưởng tượng ra được nữa. Không những nước Mỹ bị hủy diệt mà thế giới đều sẽ bị hủy diệt, vấn đề đã nghiêm trọng đến cực điểm rồi. Tôi vì sự việc này mà đặc biệt đi đến California một chuyến, tổ chức hai lần tọa đàm trên sóng truyền hình với các lãnh tụ tôn giáo và lãnh tụ xã hội, chủ yếu là thảo luận về vấn đề này. Hiện tại mọi người đều vô cùng lo lắng về vấn đề này, không cách gì để giải quyết. Đây là do vấn đề gì? Là do vấn đề giáo dục, bao gồm cả vấn đề giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội, cũng bao gồm cả giáo dục tôn giáo. Bốn loại giáo dục này kết hợp lại thì còn có thể cứu vãn, thế nhưng bốn phương diện giáo dục này muốn kết hợp thì lại là một sự việc rất khó. Cho nên tôi đã khẩn cầu các đài truyền hình phải phát sóng nội dung mang tính chánh diện nhiều một chút, dẫn dắt lòng người hướng thiện, công đức sẽ vô lượng. Chủ tịch của đài truyền hình và tổng giám đốc cũng là những người rất hiếm có, họ đã đồng ý, chúng ta sẽ cung cấp những băng đĩa giảng kinh cho họ. Thực tại mà nói cách làm này cũng như là đem muối bỏ biển, chẳng qua chỉ là tận sức đi làm mà thôi, hy vọng xã hội đại chúng đều có thể giác ngộ, đều có thể phản tỉnh, đều có thể quay đầu thì thế giới này mới có thể được cứu.

Tuần trước, cư sĩ Liêu ở Tam Trọng, Đài Bắc đến bên này thăm tôi. Tôi đem những sự việc này nói cho ông nghe, ông nói với tôi, những hành vi phạm tội của thanh thiếu niên Đài Loan nếu đem so sánh với nước Mỹ thì chỉ có nhiều hơn chứ không ít hơn. Cha mẹ dạy bảo con cái, cha mẹ nói một câu thì con cái cãi lại mười câu. Tôi nghe nói đến đây thì cảm thấy vấn đề của Đài Loan nghiêm trọng rồi, nhất định sẽ có tai nạn lớn.

Người ngày nay không đọc sách, những lời chỉ dạy của cổ Thánh tiên Hiền không phải là lời tiên tri, không phải là mê tín. Cổ Thánh tiên Hiền dạy chúng ta muốn quan sát kiết hung họa phước của xã hội thì nhìn từ đâu? Nhìn từ nhân tâm, bạn hãy tỉ mỉ quan sát, họ đang nghĩ điều gì, họ nói cái gì, họ làm điều gì? Nếu là ba thiện nghiệp thì xã hội này tốt, nếu ba nghiệp mà bất thiện thì xã hội này nhất định sẽ có tai nạn, đây không phải là mê tín. Người xưa đã nói, chúng ta đem kinh luận để đối chiếu một chút, sẽ khiến chúng ta có lòng tin kiên định, tin sâu không nghi. Phật ở trong kinh nói với chúng ta: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”. Y báo là hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta, gia đình chúng ta, xã hội chúng ta, đất nước của chúng ta, thế giới của chúng ta, đây là hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta. Hoàn cảnh tùy theo nhân tâm mà chuyển, tùy theo ý niệm của con người mà chuyển. Tâm niệm thiện thì hoàn cảnh tốt lành, hoàn cảnh là phước. Tâm niệm bất thiện thì là tai, là hung, là họa hại. Cho nên Thánh Hiền thế xuất thế gian, xuất hiện ở thế gian này để làm gì? Xưa nay trong ngoài nước, dường như các Ngài làm cùng một sự việc, đó là dạy học, truyền đạo. Căn nguyên của họa hại là ở đâu? Phật pháp nói rất rõ ràng. Căn nguyên ở tại “ngã kiến”. Danh từ này người thật sự có thể thể hội được không nhiều. Tác dụng của nó là gì? Khởi tác dụng gì? Tự tư tự lợi. Cái này thì mọi người dễ hiểu. Chúng ta ngày nay suy nghĩ xem, người trên toàn thế giới có ai mà không tự tư tự lợi chứ? Có ai mà không dốc sức để theo đuổi danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần? Hai câu này là từ trên đây mà nói, “Cầu mong quá phận. Dốc hết sức bày vẽ, tạo tác”, không từ thủ đoạn, lừa gạt cưỡng đoạt, tranh danh đoạt lợi.

/ 128