/ 128
500

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 103

 

Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Tôi có nhận được một tin nhắn, có người nói rằng ở Đài Loan có người nhận được viên thuốc mà người Trời uống, có thể trị bách bệnh, đồng thời thành tâm khẩn cầu thì một viên thuốc sẽ dần dần sinh ra nhiều viên thuốc khác. Anh ấy nói, xin hỏi Pháp sư, người Trời có phải uống thuốc không? Làm thế nào trả lời câu hỏi này? Trong Kinh Lăng Nghiêm, Thế Tôn nói với chúng ta: “Thời kỳ mạt Pháp tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Nếu như có bệnh thì vẫn nên đi khám bác sĩ, điều bạn nói nhất định không đáng tin cậy, không ai chịu trách nhiệm cho bạn. Thiên nhân cho bạn uống thuốc, uống vào sinh bệnh thêm thì bạn cũng không tìm thấy họ, họ không chịu trách nhiệm đối với bạn, cho nên thứ này không thể tin.

Các bạn đã xem băng ghi hình của cư sĩ Hứa Triết, bà sống một trăm tuổi mà không sanh bệnh, học tập theo bà thì đúng rồi. Thiên nhân còn không bằng bà, Thiên nhân vẫn phải uống thuốc, bà đâu cần uống thuốc, cho nên bà đã vượt qua cả Thiên nhân, điều này chúng ta có thể học tập theo. Tại vì sao bà có thể không sanh bệnh? Là vì tâm địa của bà thanh tịnh, tâm địa chân thành, thanh tịnh, từ bi, niệm niệm vì chúng sanh phục vụ, không phải vì chính mình, nên bà có thể không sanh bệnh. Điều này cùng với những điều nói trong Phật pháp là hoàn toàn tương đồng. Chúng ta học Phật thì phải nghe theo lời của Phật, không thể tin vào lời đồn, điều này đệ tử Phật cần đặc biệt lưu ý.

Hôm nay chúng ta xem đoạn thứ 90 của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên:

Oán thiên vưu nhân. Ha phong mạ vũ.” (Oán trời trách người. Mắng gió chửi mưa.)

Đức Phật dạy Bồ-tát sáu ba-la-mật, đó chính là phương pháp tích lũy công đức. Điều thứ nhất dạy chúng ta “bố thí”, tôi đã nói rất nhiều về bố thí rồi, dùng cách nói hiện nay là vì xã hội phục vụ, vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ. Chúng ta dùng tài vật thì đó là bố thí tài, chúng ta dùng sức lao động của chính mình để phục vụ, làm nghĩa công thì đó là bố thí nội tài, dùng trí huệ của chúng ta thì đó là bố thí pháp, giải quyết khó khăn thay cho người khác thì đó là bố thí vô úy. Ý nghĩa của hai chữ “bố thí” đã nói viên mãn trong đó rồi.

Bố thí cần phải hội đủ những điều kiện nào? Bố thí là nói tổng quát, năm điều tiếp theo là nói riêng từng trường hợp. Điều nói riêng đầu tiên là “trì giới”, trì giới chính là như pháp. Bố thí cần phải như pháp, chúng ta ngày nay nói là hợp pháp, hợp tình, hợp lý. Điều này chính là trì giới ba-la-mật. Vì người khác phục vụ cũng cần có phương pháp, có thứ tự, có trước có sau, có trật tự không rối loạn. Những điều này đều ở trong phạm vi trì giới ba-la-mật. “Nhẫn nhục” là cần tâm nhẫn nại. “Tinh tấn” là không ngừng cầu tiến bộ, ngày ngày phản tỉnh, ngày ngày sửa đổi, ngày ngày cầu tiến bộ. “Thiền định” là trong tâm của chính mình phải có kiểm soát, không bị sự cám dỗ của cảnh giới bên ngoài. “Trí huệ” là đối với hết thảy sự lý đều thông đạt thấu rõ. Từ đây có thể biết là năm điều phía sau đều nói rõ cho bố thí ba-la-mật, khiến cho việc bố thí của bạn được viên mãn, công đức của bạn được chân thật.

Mọi lúc, mọi nơi, gặp người khó khăn, nếu bản thân chúng ta vẫn còn một chút năng lực thì phải tận tâm tận lực mà giúp đỡ người khác. Giúp đỡ người khác nhất định không mong cầu quả báo thì sự bố thí này của chúng ta là thanh tịnh. Bố thí nhất định không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn thì sự bố thí này là bình đẳng. Sự thanh tịnh, bình đẳng của bố thí là Bồ-tát hạnh, thường giữ tâm thái này chính là Bồ-tát đạo. Vì vậy khi chúng ta không hài lòng, khi hết thảy sự việc không được như ý thì cần phải phản tỉnh sự tích công lũy đức của bản thân mình rất mỏng. Hết thảy những cảnh giới không như ý này đều là quả báo, đáng phải thọ nhận. Trong khi thọ nhận cần phải phản tỉnh làm thế nào để cải tiến, nâng cao cảnh giới của chính mình, tích lũy công đức nhiều hơn, như vậy mới đúng. Nếu gặp chút chuyện nhỏ không vừa ý liền oán trách ông Trời không công bằng, cho là người khác có lỗi với mình thì sai rồi! Điều này chính là bản thân đang tạo tội nghiệp, không những không thể chuyển họa thành phước mà còn làm tăng thêm tội nghiệp của chính mình. Thế nhưng hiện tượng này chúng ta thấy rất nhiều trong xã hội, vì sao vậy? Phật tổ và cổ Thánh tiên Hiền thường nói do không có người dạy bảo họ nên họ không hiểu được sự việc. Trong kinh Phật thường gọi là “người đáng thương xót”, người thế này thật sự thuộc về dạng người đáng thương xót. Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu được “oán trời trách người”nhất định là sai lầm, hơn nữa ác nghiệp này chúng ta nhất định không được phạm phải, lúc nào cũng luôn nhớ kỹ giáo huấn của Phật đối với chúng ta.

/ 128