/ 128
627

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 53

 

Các vị đồng học xin chào mọi người.

Đây là đoạn thứ bốn mươi mốt. Kinh văn chỉ có hai câu:

“Mạn kỳ tiên sinh, bạn kỳ sở sự”. (Khinh rẻ thầy dạy, phản bội người mình phải phụng sự.)

Đây là một số ví dụ nói về đại ác ở trong ác hạnh mà Thái Thượng nêu ra cho chúng ta.

“Tiên sinh” chính là ngày nay chúng ta gọi là thầy giáo. Ở trong chú giải này đều là dùng lời của cổ nhân nói. “Truyền đạo, truyền nghề và hóa giải những điều còn mê hoặc”. Nhà Phật thường nói, sinh mạng chúng ta có được là từ cha mẹ, huệ mạng của chúng ta có được là từ thầy. Phật Bồ-tát là thầy của chúng ta. Sinh mạng đem so sánh với huệ mạng thì huệ mạng phải quan trọng hơn sinh mạng. Nếu như người có huệ mạng thì người này đời đời kiếp kiếp chắc chắn không đọa ba đường ác, không những không đọa ba đường ác, mà nhất định còn có thể vượt thoát luân hồi, vượt khỏi mười pháp giới. Từ đó cho thấy, huệ mạng quan trọng hơn sinh mạng.

Ân đức của Phật Bồ-tát cao hơn cha mẹ. Đạo lý này chúng ta nhất định phải biết. Nhưng mà hiện nay ở thế gian này, vị thầy có thể thật sự khiến chúng ta có được huệ mạng thì hầu như không nhìn thấy nữa. Đây cũng là sự thật. Nhà Phật thường nói: “Ở trong cửa Phật không bỏ một ai”, nhưng tại sao chúng ta ngày nay phát tâm cầu pháp thân huệ mạng, Phật Bồ-tát không đến giúp chúng ta vậy? Chúng ta học Phật lâu như vậy rồi, đối với Kinh giáo cũng đã đọc qua chút ít, chúng ta có thể khẳng định lời của Phật Bồ-tát là lời chân thật, chắc chắn không phải vọng ngữ, hay nói cách khác, chắc chắn các Ngài sẽ không bỏ chúng ta, vấn đề là tâm cầu đạo của chúng ta là thật hay là giả. Nếu như tâm cầu đạo của chúng ta không chân thành tha thiết thì Phật Bồ-tát sẽ không đến, vì đến cũng không có ý nghĩa gì. Nếu như chúng ta thật sự khẩn thiết, thật tâm cầu thì chắc chắn có cảm ứng. Từ đó cho thấy, chúng ta cầu pháp tu hành, ở trong đời này có thể thành tựu hay không, thành tựu sớm hay muộn đều chính mình tự quyết định, không phải người khác quyết định cho chúng ta. Bản thân chúng ta có tâm chân thành, có tâm thanh tịnh, cần mẫn y giáo phụng hành thì Phật Bồ-tát sẽ đến ngay. Các Ngài có phương tiện thiện xảo bất khả tư nghì đang gia trì chúng ta. Nếu như bạn có một mảy may không thành thật, không thật thà thì chắc chắn không có cảm ứng. Tâm của người ngày nay chiêu cảm đều là yêu ma quỷ quái. Tại sao lại có hiện tượng này vậy? Ở trong tâm có tham sân si mạn, ở trong tâm có tà tư tà kiến. Tà với tà cảm ứng với nhau, chân cảm ứng với chân, đây là đạo lý nhất định.

Hiện nay bản thân chúng ta không biết cách tu học như thế nào. Tâm thành này không phát ra được, cha mẹ cũng không biết, thậm chí là hiện nay thầy cô cũng không biết. Đây là hiện tượng vô cùng đáng buồn. Khi tôi còn nhỏ, có lẽ là lúc bảy tuổi (ấn tượng này tôi nhớ rất rõ ràng), ngày đầu tiên đến trường tư thục (trường tư thục này ở trong một ngôi từ đường). Tôi còn nhớ, phụ thân tôi dắt theo tôi, còn chuẩn bị lễ vật để đến cúng dường thầy. Bước vào từ đường, nhìn thấy thầy, trước tiên dâng lễ vật lên, phụ thân tôi ở phía trước, tôi ở phía sau, bên trong có một cái lễ đường, ngay chính giữa lễ đường có thờ bài vị của Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Khổng Lão Phu Tử. Chúng tôi hướng về bài vị của Khổng Lão Phu Tử hành lễ tam quỳ cửu khấu. Phụ thân tôi ở trước, tôi bái lạy theo phía sau. Sau khi bái lạy xong, mời thầy ngồi ngay chính giữa, phụ thân tôi ở phía trước, tôi ở phía sau, cũng là hành lễ tam quỳ cửu khấu với thầy. Tôi có ấn tượng rất sâu sắc. Phụ huynh đem con em gửi gắm cho thầy, mời thầy quản lý giáo dục nghiêm khắc. Nghi lễ long trọng như vậy, cha mẹ phải lạy thầy, nếu như thầy không quản lý giáo dục học trò nghiêm túc, các bạn thử nghĩ, làm sao xứng đáng với cha mẹ của người ta? Sự tôn trọng như vậy hiện nay không còn nữa, không có người hiểu được rồi.

Năm xưa, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung đã lập ra một lớp “Nghiên Cứu Nội Điển”, học trò có tám người, thầy có sáu người, tôi cũng là một trong số đó. Chủ nhiệm của lớp này là lão sư Lý. Ngày khai giảng hôm đó, lão sư Lý mời năm vị thầy chúng tôi ngồi lên (năm người chúng tôi đều là học trò của thầy). Thầy dẫn theo học trò, thầy ở phía trước, tám học trò ở phía sau đảnh lễ ba lạy với chúng tôi. Lão sư Lý nói: “Tôi xin thay mặt cho phụ huynh học sinh”. Có lẽ chúng tôi đời này chỉ có gặp được một lần, không gặp lần thứ hai, không có việc này lần thứ hai nữa. Thầy làm đại biểu cho phụ huynh học sinh, dẫn đầu tám học sinh. Năm người chúng tôi ngồi ở trên, tiếp nhận thầy đảnh lễ ba lạy, nếu chúng tôi không nghiêm túc chỉ dạy những học sinh này, chúng tôi sẽ có lỗi với thầy. Người hiện nay đâu có hiểu đạo lý này! Không những chúng ta không nhìn thấy, ngay cả nghe cũng không nghe thấy. Cho nên vào thời xưa, thầy trò như cha con, thật sự còn thân hơn cha con; con cái của thầy với bản thân chúng tôi giống như anh em vậy, cả đời đều quan tâm lẫn nhau. Người làm thầy tuy rất vất vả, người có học đều rất bần hàn, nhưng mà họ vô cùng an ủi. Học trò được dạy tốt rồi, tương lai học trò có thể hơn người bình thường, đời con đời cháu của họ đều sẽ có người quan tâm, họ không có nỗi lo lắng về sau.

/ 128