/ 289
471

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 253

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm:

 

(Sao) Bát tùng liên sanh giả.

(鈔)八從蓮生者。

(Sao: “Tám phẩm sanh từ hoa sen”).

 

Tiếp đó, giải thích: Có những kẻ chấp trước văn tự trong kinh điển, thấy trong chương Thượng Phẩm Thượng Sanh của Quán Kinh chẳng nói đến hoa sen, từ thượng trung phẩm cho đến hạ hạ phẩm đều nói có hoa sen. Do vậy bèn chấp trước: Trong chín phẩm chỉ có tám phẩm là hóa sanh trong hoa sen, thượng thượng phẩm chẳng có hoa sen. Ở đây, Liên Trì đại sư trích dẫn khá nhiều kinh văn để chứng tỏ Thượng Phẩm Thượng Sanh cũng có hoa sen.

 

(Sao) Cứ Quán Kinh thượng phẩm thượng sanh văn vân: “Tự kiến kỳ thân, thừa kim cang đài”, độc vô “liên hoa” nhị tự, cố ngôn “hạ chi bát phẩm, nãi tùng liên sanh”.

(鈔)據觀經上品上生文云:自見其身,乘金剛臺。獨無蓮華二字,故言下之八品,乃從蓮生。

(Sao: Căn cứ theo kinh văn trong phần Thượng Phẩm Thượng Sanh của Quán Kinh có nói: “Tự thấy thân mình ngồi đài kim cang”, chỉ riêng phẩm này chẳng có hai chữ “hoa sen”; vì thế nói: Tám phẩm dưới đó mới là sanh từ trong hoa sen).

 

Nghi vấn phát xuất từ chỗ này. Thật ra, đây chính là đã trái nghịch giáo huấn Tứ Y của đức Phật. Trong Tứ Y Pháp đã nói rất rõ ràng, dạy chúng ta hãy “y nghĩa, đừng y ngữ”.

 

(Sao) Nhiên kinh luận sở minh, lịch lịch giai thuyết sanh Tây Phương giả, câu tùng liên sanh.

(鈔)然經論所明,歷歷皆說生西方者,俱從蓮生。

(Sao: Nhưng kinh luận đã nói rõ, đều bảo rành rành: Người sanh về Tây Phương đều sanh từ hoa sen).

 

“Câu” (俱) có nghĩa là nói: Hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, bất luận phẩm vị cao hay thấp, cho đến vãng sanh trong Biên Địa, đều là hóa sanh trong hoa sen.

 

(Sao) Đại Bổn Pháp Tạng nguyện vân.

(鈔)大本法藏願云。

(Sao: Trong kinh Đại Bổn, ngài Pháp Tạng nguyện rằng).

 

Trích dẫn phần bốn mươi tám nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ.

 

(Sao) Vô ương số thế giới, chư thiên nhân dân, dĩ chí quyên nhuyễn.

(鈔)無央數世界,諸天人民,以至蜎蝡。

(Sao: Vô ương số thế giới, chư thiên, nhân dân, cho đến loài côn trùng ngọ nguậy).

 

“Quyên nhuyễn” (蜎蝡) chỉ tiểu động vật, chúng ta hay nói chúng là nhuyễn thể tiểu động vật (軟體小動物: động vật nhỏ thân mềm), là một loại côn trùng.

 

(Sao) Sanh ngã sát giả, giai ư thất bảo trì nội, liên hoa trung hóa sanh, ngôn “giai”, tắc khái cử cửu phẩm.

(鈔)生我剎者,皆於七寶池內,蓮華中化生,言皆,則概舉九品

(Sao: Sanh về cõi ta, đều ở trong ao bảy báu, hóa sanh trong hoa sen. Nói là “đều” tức là nói chung cả chín phẩm).

 

Nếu trong đó có một loại chẳng phải là hóa sanh trong hoa sen, sẽ chẳng thể dùng chữ Giai (皆: đều). Đã dùng chữ Giai thì toàn bộ đều được bao gồm, trong ấy chẳng có sai biệt. Từ trong bổn nguyện của Phật Di Đà, chẳng nói loại vãng sanh nào không có hoa sen!

 

(Sao) Hựu vân: “Tha phương chư đại Bồ Tát, dục kiến A Di Đà Phật giả, kính ư bỉ quốc thất bảo trì nội, liên hoa hóa sanh”. Ngôn “đại Bồ Tát”, tắc tất phi trung hạ hỹ.

(鈔)又云。他方諸大菩薩,欲見阿彌陀佛者,徑於彼國七寶池內,蓮華化生。言大菩薩,則必非中下矣。

(Sao: Lại nói: “Các vị đại Bồ Tát từ phương khác muốn thấy A Di Đà Phật, bèn nhanh chóng hóa sanh trong hoa sen nơi ao bảy báu của cõi đó”. Nói là “đại Bồ Tát”, ắt chẳng phải là trung hạ căn).

 

Đoạn văn này nêu thêm một chứng cứ phụ. “Tha phương chư đại Bồ Tát” (Các vị đại Bồ Tát ở phương khác). Trong kinh luận có thói quen là nếu thêm chữ Đại vào trước Bồ Tát, chắc chắn vị ấy là Địa Thượng Bồ Tát thì mới gọi là Đại. Đó là một thông lệ trong Phật môn. Chúng ta thường gọi các Ngài là Bồ Tát Ma Ha Tát. Ma Ha (Mahā) là Đại, đại Bồ Tát được nói ở đây chính là Ma Ha Tát (Mahāsattva). Nói Bồ Tát tức là nói tới [các Bồ Tát thuộc những địa vị] Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, đó là các Bồ Tát thuộc địa vị Tam Hiền. Lên cao hơn, từ Sơ Địa trở lên, chúng ta đều gọi [các Ngài] là Đại Bồ Tát. Đăng Địa Bồ Tát (Bồ Tát kể từ Sơ Địa trở lên) vãng sanh, tuyệt đối chẳng phải là bậc trung hay bậc hạ, quyết định là thượng thượng phẩm vãng sanh. Vì thế, phần kinh văn này nói “cũng là hóa sanh trong hoa sen nơi ao bảy báu”, có thể cung cấp cho chúng ta thêm một bằng chứng: Thượng Phẩm Thượng Sanh cũng là hóa sanh trong hoa sen.

/ 289