/ 289
390

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 247

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm tám mươi tư:

 

(Sao) Phật lực giả, Đại Bổn Pháp Tạng nguyện vân: “Ngã tác Phật thời, thập phương vô ương số thế giới, chư thiên, nhân dân, hữu phát Bồ Đề tâm, tu chư công đức, nguyện sanh ngã sát, lâm thọ chung thời, ngã dữ đại chúng, hiện kỳ nhân tiền”. Tam Bối Vãng Sanh trung hựu vân: “Kỳ nhân mạng dục chung thời, Phật dữ thánh chúng, tất lai nghênh trí”. Quán Kinh cửu phẩm, hoặc ngôn “A Di Đà Phật chí hành giả tiền”, hoặc vân “chí kỳ nhân sở”, giai hiện tiền ý dã.

(鈔)佛力者,大本法藏願云:我作佛時,十方無央數世界,諸天人民,有發菩提心,修諸功德,願生我剎,臨壽終時,我與大眾現其人前。三輩往生中又云:其人命欲終時,佛與聖眾,悉來迎致。觀經九品,或言阿彌陀佛至行者前,或云至其人所,皆現前意也。

(Sao: “Phật lực”: Trong kinh Đại Bổn, ngài Pháp Tạng nguyện rằng: “Khi ta thành Phật, chư thiên, nhân dân trong mười phương vô ương số thế giới, có người phát tâm Bồ Đề, tu các công đức, nguyện sanh về cõi ta, khi lâm chung, ta và đại chúng hiện trước người ấy”. Trong phần Ba Bậc Vãng Sanh lại nói: “Khi người ấy lâm chung, Phật và thánh chúng đều đến đón tiếp”. Phần chín phẩm trong Quán Kinh hoặc nói “A Di Đà Phật tới trước hành giả”, hoặc nói “tới chỗ người ấy”, đều là ý nghĩa “hiện tiền” vậy).

 

Trong đoạn Sao này, đại sư giải thích Tự Lực và Phật Lực. Trong phần trước đã nói về Tự Lực, tiếp theo đó bèn giảng rõ về Phật Lực. “Phật” là A Di Đà Phật. Ở đây, chúng ta ắt cần phải biết, phải hiểu rõ, thì mới có thể trân quý nhân duyên hết sức tốt đẹp trong một đời này. Hết thảy chúng sanh từ vô thỉ kiếp tới nay, sanh tử luân hồi là chuyện đáng buồn nhất, là chuyện đau đớn nhất, thê thảm nhất, mà cũng là chuyện đáng hổ thẹn nhất. Tuy trong quá khứ, chúng ta cũng đã đời đời kiếp kiếp học Phật, niệm Phật, nhưng đều chẳng thể thành công, cũng có nghĩa là chúng ta chẳng thể vượt thoát luân hồi, nguyên nhân rốt ráo là gì? Trước hết, chúng ta phải hiểu: Do đâu mà có luân hồi? Trong kinh luận, đức Phật đã dạy rất minh bạch: Luân hồi do nghiệp lực biến hiện. “Nghiệp lực” là nói tới Kiến Tư phiền não; do vậy, đoạn Kiến Tư phiền não bèn vượt thoát luân hồi. Kinh luận cho chúng ta biết: Thánh giả Tiểu Thừa chứng đắc Tứ Quả La Hán, đoạn hết Kiến Tư phiền não, thoát khỏi luân hồi. Nói cách khác, chúng ta đời đời kiếp kiếp tu hành nhưng đều chẳng thể đạt tới tiêu chuẩn ấy.

Đời này tuy được làm thân người, lại còn gặp gỡ Phật pháp, hết thảy đều phải làm lại từ đầu. Hãy thử hỏi đời này có năng lực đoạn phiền não hay không? Đoạn phiền não cần có Định Huệ kha khá, đó là [xét theo] các pháp môn theo đường lối thông thường. Chúng ta chẳng có công phu định lực sâu như thế, đoạn một phẩm phiền não chẳng xong. Nói cách khác, tu học các pháp môn khác sẽ gặp khó khăn, hết sức khó khăn. Pháp môn Tịnh Tông thuận tiện nhất trong hết thảy các pháp môn, mà cũng là thù thắng nhất, vì nó chẳng cần đoạn phiền não, chỉ cần chế phục phiền não là được rồi. Chế phục phiền não thì mỗi người chúng ta nếu thật sự chịu dụng công đều có thể làm được. Đoạn phiền não thì không nhất định, khó lắm! Nhưng quý vị phải chịu chế phục thì mới được! Vì sao chế phục phiền não có thể vượt thoát luân hồi? Do bổn nguyện và oai thần của A Di Đà Phật gia trì, tiếp dẫn chúng ta vãng sanh; do vậy, pháp môn này được gọi là “nhị lực pháp môn”. Bản thân chúng ta có đủ những điều kiện ấy, A Di Đà Phật bèn lôi kéo, dẫn dắt chúng ta vãng sanh, nguyên nhân là như thế đó. Pháp môn này tuy dễ dàng, đơn giản, nhưng nhất định là phải trọn đủ tín nguyện.

Trong phần trước đã nói sức mạnh của chính mình là tín nguyện, sức mạnh của Phật Di Đà là tiếp dẫn. Chúng ta có tín tâm hết sức thanh tịnh, có nguyện vọng vãng sanh thế giới Cực Lạc mạnh mẽ, đó gọi là “tin sâu, nguyện thiết”, sức mạnh tín nguyện ấy nhất định phải vượt trỗi nghiệp lực, quý vị quyết định vãng sanh. Do vậy, chúng ta thấy có rất nhiều người niệm Phật, thời gian niệm Phật chẳng nhất định là rất lâu, đương nhiên chúng ta thấy có người niệm vài chục năm, [có kẻ] niệm ba năm, năm năm, cũng thấy có người niệm mấy tháng, đều có thể đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, biết trước lúc mất, thậm chí còn có người [chỉ niệm Phật] vài ngày, phù hợp với điều được nói trong kinh này: “Hoặc một ngày cho đến bảy ngày”. Bảy ngày có thể vãng sanh, do nguyên nhân nào? Do tín nguyện vô cùng mạnh mẽ! Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã nói: “Có thể vãng sanh hay không, hoàn toàn do có tín nguyện hay không”. Tin sâu, nguyện thiết bèn quyết định được vãng sanh! Sức mạnh gia trì và oai thần của Phật Di Đà hết sức rõ rệt, phân minh, rành rẽ. Phẩm vị vãng sanh trong thế giới Tây Phương tùy thuộc công phu niệm Phật của chúng ta cạn hay sâu, tức là phải nói tới niệm lực. Trong phần sau, chúng tôi sẽ bàn đến.

/ 289