/ 289
370

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 222

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi sáu:

 

(Sao) Hữu tam-muội kiêm trì chú, hữu tam-muội kiêm tụng kinh, hữu tam-muội kiêm niệm Phật đẳng. Kim tiêu niệm cảnh, tức thị kiêm Niệm Phật tam-muội, giai trợ hiển bổn tánh chi Phật dã, hoặc trực hiển, hoặc trợ hiển, kỳ trí nhất dã. Huống sơ học phàm phu, chướng nhiễm nùng hậu, toàn tư thắng cảnh, phát ngã diệu tâm, thật vi tu hành yếu thuật, bất khả hốt dã.

(鈔)有三昧兼持咒,有三昧兼誦經,有三昧兼念佛等。今標念境,即是兼念佛三昧,皆助顯本性之佛也。或直顯,或助顯,其致一也。況初學凡夫,障染濃厚,全資勝境,發我妙心,實為修行要術,不可忽也。

(Sao: Có tam-muội kiêm trì chú, có tam-muội kiêm tụng kinh, có tam-muội kiêm niệm Phật v.v… Nay nêu lên niệm cảnh, tức là kiêm thêm Niệm Phật tam-muội, đều nhằm giúp hiển lộ vị Phật nơi bản tánh. Hoặc là trực hiển (hiển lộ trực tiếp), hoặc là trợ hiển (phụ trợ hiển lộ), nhưng đạt đến mục tiêu thì là một. Huống hồ phàm phu sơ học chướng nhiễm nồng đậm, hoàn toàn cậy vào cảnh thù thắng để phát khởi diệu tâm của chính mình, thật sự là cách thức trọng yếu trong tu hành, chớ nên sơ sểnh vậy).

 

Đoạn khai thị trong phần sau này hết sức khẩn thiết, có mối quan hệ chặt chẽ hết sức trọng yếu đối với sự thành tựu trong tu học của chúng ta. Trong phần trước đã nói: “Trực quán tam đạo, hiển bổn tánh Phật” (Quán thẳng vào tam đạo để hiển lộ vị Phật trong bản tánh); đó là nói theo Lý. Tiếp theo đây, hoàn toàn nói về sự tu học.

 

(Diễn) Hữu tam-muội kiêm trì chú giả, vị bất năng trực quán bổn tánh giả, cánh dĩ dị phương tiện, trợ hiển Đệ Nhất Nghĩa, như Phương Đẳng tam-muội kiêm trì chú.

(演)有三昧兼持咒者,謂不能直觀本性者,更以異方便,助顯第一義,如方等三昧兼持咒。

(Diễn: “Có tam-muội kiêm trì chú” nghĩa là đối với người chưa thể quán trực tiếp bản tánh, bèn dùng phương tiện lạ lùng để giúp hiển lộ Đệ Nhất Nghĩa, như Phương Đẳng tam-muội có kèm thêm trì chú).

 

Do vậy có thể biết, để trực tiếp hiển lộ tâm tánh, pháp môn theo đường lối thông thường là Thiền Quán. Thiền Tông dùng phương pháp Quán Tâm, tham thoại đầu kém hơn, [phương pháp] trực tiếp là quán tâm. Tuy quán tâm là trực tiếp, kẻ bình phàm tuyệt đối chẳng thể làm được. Vì sao? Tâm người bình phàm rất thô tháp, thường nói là “thô tâm đại ý”, chẳng thể sử dụng pháp môn này. Về sau, Thiền Tông đổi sang tham thoại đầu, người căn tánh trung hạ cũng có thể sử dụng, nhưng người đắc Định thì có, rất ít thấy ai khai ngộ! Khai ngộ do tham thoại đầu chẳng dễ dàng, đặc biệt là trong thời cận đại, gần như chẳng thấy có người nào khai ngộ! Giống như lão pháp sư Đàm Hư đã nói, thời đại của Ngài xác thực thù thắng hơn thời đại hiện thời nhiều lắm, tức là trong bốn mươi, năm mươi năm trước, lòng người trong xã hội nồng hậu hơn hiện thời rất nhiều, hoàn cảnh cũng an định hơn rất nhiều, [thế mà] tham Thiền đã không dễ dàng, huống hồ hiện thời!

Chẳng thể dùng công phu này, lại cầu pháp phương tiện, pháp phương tiện là trì chú. Sự tu học trong Phương Đẳng kiêm trì chú rất nhiều. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà đều được xếp vào Phương Đẳng Bộ[1]. “Phương Đẳng kiêm trì chú”, người niệm Phật trì kèm thêm Vãng Sanh Chú, có người dùng phương pháp này. Nhưng trì chú có thể đắc lực hay không, xét theo lý luận, sẽ tương đồng với đọc tụng và niệm Phật, quyết định là chẳng xen tạp, không gián đoạn, không hoài nghi, công phu mới có thể đắc lực. Hoài nghi, xen tạp, sẽ hoàn toàn chẳng đắc lực. Trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát dạy: “Niệm Phật kỵ nhất là xen tạp”. Nói thật ra, trong hết thảy các pháp môn, Niệm Phật thù thắng nhất, mà nó còn kỵ xen tạp, thì những công phu khác đương nhiên càng kỵ xen tạp, xen tạp sẽ chẳng thể thành tựu. Các đồng tu bình phàm trong hiện thời chẳng biết chân tướng sự thật này, thích xen tạp, cứ nghĩ “chẳng xen tạp sẽ không thể đạt thành tựu”. Quan niệm ấy là cái gốc bệnh. Nhất định muốn đồng thời học nhiều pháp môn, trọn chẳng biết khá nhiều pháp môn tương khắc. Pháp môn Không Tông và pháp môn Hữu Tông tương khắc. Ví như niệm Phật là từ Hữu Môn mà vào, lại đồng thời học những thứ thuộc về Không Môn, sẽ bị tương khắc. Nhà Thiền niệm Phật một tiếng, phải súc miệng ba ngày. Thiền nói Không, Tịnh nói Hữu, phải biết điều này. Do vậy, bất luận tu học pháp môn nào, đều quý ở chỗ thâm nhập một môn. Từ Không để tiến nhập cũng được, mà từ Hữu để tiến nhập cũng được, quý vị hành theo một môn thì mới hòng thành tựu. Hành đồng thời hai môn, lại là hai môn Không và Hữu bất đồng, hết sức khó thành tựu!

/ 289