/ 289
444

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 197

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm chín mươi chín:

 

(Diễn) Kiến Hoặc hữu bát thập bát Sử, dĩ Ngũ Độn Ngũ Lợi Thập Sử, lịch tam giới Tứ Đế hạ, tăng giảm bất đồng, thành bát thập bát. Tư Hoặc hữu bát thập nhất phẩm, vị tam giới phân vi cửu địa, Dục Giới hợp vi nhất địa, Tứ Thiền, Tứ Không vi bát, cộng vi cửu địa. Dục Giới nhất địa trung, hữu cửu phẩm tham, sân, si, mạn, thượng bát địa các hữu cửu phẩm, trừ Sân Sử, cố thành bát thập nhất dã. Thượng lai Kiến Tư bất đồng, tổng thị Tạng Giáo, thật hữu Tập Đế.

(演)見惑有八十八使,以五鈍五利十使,歷三界四諦下,增減不同,成八十八;思惑有八十一品,謂三界分為九地,欲界合為一地,四禪四空為八,共為九地。欲界一地中,有九品貪瞋痴慢,上八地各有九品,除瞋使,故成八十一也。上來見思不同,總是藏教,實有集諦。

(Diễn: Kiến Hoặc có tám mươi tám Sử, do mười Sử gồm Ngũ Độn và Ngũ Lợi trải khắp Tứ Đế trong tam giới, do tăng giảm khác nhau mà thành tám mươi tám phẩm. Tư Hoặc có tám mươi mốt phẩm, tức là tam giới chia thành chín địa: Dục Giới hợp thành một địa, Tứ Thiền Thiên và Tứ Không Thiên là tám địa, cộng thành chín địa. Trong một địa của Dục Giới có chín phẩm tham, sân, si, mạn. Đối với tám địa trên đó (tám địa của Tứ Không Thiên và Tứ Thiền Thiên), mỗi địa có chín phẩm, ngoại trừ Sân Sử, nên thành tám mươi mốt phẩm. Kiến Tư [được phân định] sai khác như trên đây nói chung là Tạng Giáo, [theo cách nhìn của họ] thật sự có Tập Đế).

Những điều giải thích ở chỗ này đều dựa theo Tạng Giáo, chúng ta cũng thường nói là Tiểu Thừa. Phần trước nói về Khổ Đế của Tạng Giáo, đoạn này giảng về Tập Đế của Tạng Giáo. Trong lần trước, tôi đã giảng đại lược ý nghĩa.

 

(Diễn) Tam, Diệt Đế giả.

(演)三、滅諦者。

(Diễn: Ba, Diệt Đế là…).

 

“Tập” (集) là nói đến cái nhân. Đã tạo nhân, bèn có quả báo, bèn có lục đạo luân hồi. Hai Đế sau nói tới pháp xuất thế gian. Pháp xuất thế gian Tiểu Thừa cũng là nói quả trước rồi mới nói tới nhân. Trước hết là nói về Diệt Đế:

 

(Diễn) Diệt tiền Khổ Tập.

(演)滅前苦集。

(Diễn: Diệt Khổ và Tập trước đó).

 

Diệt gì? Diệt sanh tử, diệt luân hồi, diệt phiền não.

 

(Diễn) Hiển Thiên Chân lý, nhân Diệt hội Chân, Diệt phi Chân Đế.

(演)顯偏真理,因滅會真,滅非真諦。

(Diễn: Hiển lộ lý Thiên Chân, do Diệt mà thấu hiểu Chân, Diệt [trong Tạng Giáo] chưa phải là Chân Đế).

 

Đây là Thiên Chân Niết Bàn do hàng Tiểu Thừa chứng đắc. Chân (真) là chẳng sai lầm. Vì sao gọi là Thiên Chân? Thiên (偏: lệch lạc) là chẳng viên, tức là chẳng viên mãn, lệch về một bên. Phàm phu lệch về Hữu, Tiểu Thừa lệch về Không, tức Chân Không; Hữu là huyễn hữu. Luôn chấp trước, ngỡ [điều mình thiên chấp] là chân thật, nên gọi là Thiên. Do sự thiên chấp này, phàm phu chịu khổ rất lớn, ngỡ huyễn hữu là chân hữu; do đó, tạo thành lục đạo luân hồi, khổ khôn kể xiết! Hàng Tiểu Thừa cũng ngỡ Không là chân thật, nhưng bị hại nhẹ hơn chúng ta nhiều, họ bị hại là “bản tánh bị chướng ngại”. Vì lẽ đó, hàng Tiểu Thừa chẳng thể kiến tánh là do họ chấp trước Chân Không, tưởng cái Không ấy là thật, [cứ ngỡ là] thật sự có chuyện như vậy. Vì hai thứ chấp trước ấy nên đều chẳng thể kiến tánh. “Diệt” còn gọi là Niết Bàn, cũng gọi là Viên Tịch, có rất nhiều tên gọi khác nhau, nhưng thực tế đều là nói đến một chuyện. Nói là Viên Tịch thì Viên (圓) là nói đến sự viên mãn, Tịch (寂) là tịch diệt. Các danh xưng Niết Bàn và Viên Tịch đều dùng chung cho cả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa. Tứ Đế và Diệt Đế cũng được sử dụng chung cho cả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa; ở đây là nói đến Diệt Đế của Tạng Giáo. Quả báo đang được nói đến ở đây đương nhiên là điều mong cầu, hy vọng đạt được của mỗi người học Phật chúng ta. Hy vọng liễu sanh tử, hy vọng vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, vượt thoát tam giới, phải như thế nào thì mới có thể thực hiện được? Dưới đây bèn nói tới phương pháp, tức là nói tới Đạo.

 

(Diễn) Tứ, Đạo Đế giả, lược tắc Giới, Định, Huệ, quảng tắc tam thập thất Đạo Phẩm.

(演)四、道諦者,略則戒定慧,廣則三十七道品。

(Diễn: Bốn là Đạo Đế, đại lược thì là Giới, Định, Huệ, nói rộng thì là ba mươi bảy Đạo Phẩm).

 

Ba mươi bảy Đạo Phẩm sẽ được nói đến trong kinh này.

 

/ 289