/ 289
391

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 189

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm tám mươi chín:

 

(Diễn) Hựu Pháp Thân giả, sư quỹ Pháp Tánh, hoàn dĩ Pháp Tánh vi thân. Thử thân phi sắc chất, diệc phi tâm trí, phi Ấm, Giới, Nhập chi sở nhiếp trì, cưỡng chỉ Pháp Tánh vi Pháp Thân nhĩ.

(演)又法身者,師軌法性,還以法性為身,此身非色質,亦非心智,非陰界入之所攝持,強指法性為法身耳。

(Diễn: Lại nữa, Pháp Thân noi theo Pháp Tánh, lại còn lấy Pháp Tánh làm thân. Thân ấy chẳng phải là sắc chất, cũng chẳng phải là tâm trí, chẳng bị nhiếp trì bởi Ấm, Giới, Nhập, cưỡng gọi Pháp Tánh là Pháp Thân mà thôi).

 

Pháp Hoa Kinh Thọ Lượng Phẩm Sớ (lời Sớ cho phẩm Thọ Lượng của kinh Pháp Hoa) chép: “Thọ giả thọ dã, nhược Pháp Thân, Chân Như bất cách chư pháp, cố danh vi Thọ” (Thọ mạng là Thọ (lãnh chịu). Nếu là Pháp Thân, do Chân Như chẳng cách ngăn các pháp, nên gọi là Thọ (lãnh chịu)), giải thích Pháp Thân là gì. Sách Diễn Nghĩa đã giảng rất rõ ràng, văn tự vắn tắt, ý nghĩa trọn đủ, dễ nhớ. “Sư quỹ Pháp Tánh”: Pháp Thân là Pháp Tánh. Pháp Tánh chẳng phải là vật chất, nên nó chẳng phải là sắc pháp, mà cũng chẳng phải là tâm trí, cho nên cũng chẳng phải là tâm pháp, nhưng hết thảy sắc pháp và tâm pháp đều do nó biến hiện. Triết học cận đại gọi nó là “bản thể của vạn hữu trong vũ trụ”; trong Phật pháp, nó được gọi là Pháp Thân. “Sư quỹ Pháp Tánh”, “sư” (師) có nghĩa là sư pháp (師法: tuân theo, vâng theo), tuân theo pháp. “Quỹ” (軌) là quỹ tắc (軌則: đường lối, khuôn khổ), giống như xe lửa chạy trên đường rầy. Pháp Tánh là thể tánh của hết thảy các pháp, chúng ta gọi nó là Pháp Tánh, nó cũng là bản thể của hết thảy các pháp. Chúng ta gọi Pháp Tánh là thân, thân ấy chẳng phải là thân thể của chúng ta, mà là thân của vạn pháp trong toàn thể vũ trụ; thân ấy được gọi là Pháp Thân.

“Thử thân phi sắc chất, diệc phi tâm trí” (Thân ấy chẳng phải là sắc chất, mà cũng chẳng phải là tâm trí). Pháp Thân chẳng phải là sắc pháp, mà cũng chẳng phải là tâm pháp. Đức Phật nói đến sắc và tâm, thường triển khai tỉ mỉ thành Ngũ Ấm, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, kinh Lăng Nghiêm nói rất cặn kẽ. Pháp Thân có phải là những thứ ấy hay không? Chẳng phải! Thảy đều chẳng phải! Pháp Thân cũng chẳng rời lìa những thứ ấy, vì hết thảy các pháp đều do Pháp Tánh biến hiện, nơi hữu tình chúng sanh, chúng ta gọi nó là Phật Tánh, nơi vô tình chúng sanh thì gọi là Pháp Tánh. Chư vị phải biết: Pháp Tánh có phạm vi bao quát còn lớn hơn Phật Tánh. Nói thật ra, chúng là một tánh, chẳng phải là hai tánh. Hiểu đạo lý này, chúng ta mới chẳng hoài nghi câu “tình và vô tình, cùng viên thành Chủng Trí” trong kinh Hoa Nghiêm, vì tất cả vạn pháp đều sanh từ cùng một căn nguyên.

“Cưỡng chỉ”, “cưỡng” (強) là miễn cưỡng. Trên thực tế, chỉ có thể hiểu ý, chẳng thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Vì thế, nói đến chỗ này, “ngôn ngữ dứt bặt, tâm hành xứ diệt”. Không chỉ là nói chẳng được, mà ngay cả nghĩ tưởng cũng chẳng thể nghĩ tưởng được! Hễ nghĩ tưởng bèn rơi vào tâm trí, hễ nói năng sẽ rớt vào sắc chất. Nó có thật, chẳng phải là không có, thật sự tồn tại. Tuy tồn tại, lục căn của chúng ta chẳng có cách nào tiếp xúc. Nói thật ra, chẳng phải là lục căn không thể tiếp xúc! Nếu bảo là lục căn không thể tiếp xúc, cớ sao Phật và đại Bồ Tát có thể tiếp xúc? Có thể thấy bọn phàm phu chúng ta sở dĩ chẳng thể tiếp xúc là vì còn có chướng ngại trong ấy. Chướng ngại gì vậy? Chướng ngại rất nhiều, trong kinh, đức Phật đã quy nạp khá nhiều thứ chướng ngại ấy thành hai loại lớn: Một loại lớn là Phiền Não Chướng, loại lớn kia là Sở Tri Chướng. Chỉ cần hai thứ chướng ngại này tồn tại, sẽ chẳng có cách nào thấy Pháp Thân.

Thấy Pháp Thân thì mới coi như tìm được chính mình, tức là cái được Thiền gia gọi là “phụ mẫu vị sanh tiền bản lai diện mục” (diện mạo vốn có trước khi được cha mẹ sanh ra), coi như quý vị đã tìm được chính mình. Chẳng thấy Pháp Thân, nói thật ra là mê mất chính mình, chính mình ở đâu chẳng biết! Do vậy có thể biết, chuyện này hết sức trọng yếu, chúng ta học Phật nhằm mục đích nào? Mong tìm được Pháp Thân, Thiền Tông nói là “minh tâm kiến tánh”, kiến tánh đã tìm được [Pháp Thân]. Tánh là gì? Tánh là Pháp Tánh, là Pháp Thân, đã tìm được nó. Phải như thế nào thì mới kiến tánh? Phải minh tâm. Nay cái tâm của chúng ta chẳng minh, tâm một mực hồ đồ. Do đó, phải thực hiện “công tác” minh tâm!

/ 289