/ 289
488

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 173

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm sáu mươi tám.

(Sớ) Văn niệm Tam Bảo, tự hữu tứ nghĩa: Nhất giả, điểu âm chi trung, tán Tam Bảo cố; nhị giả, thuyết pháp hữu phương, thiện nhập nhân cố; tam giả, trú dạ vô gián, thục Nhĩ Căn cố; tứ giả, điểu thượng giải thuyết, kích thắng tâm cố.

(疏) 聞念三寶,自有四義:一者鳥音之中,讚三寶故;二者說法有方,善入人故;三者晝夜無間,熟耳根故;四者鳥尚解說,激勝心故。

(Sớ: Nghe tiếng niệm Tam Bảo, có bốn nghĩa: Một là trong tiếng chim hót, có tiếng tán thán Tam Bảo. Hai là thuyết pháp có phương tiện thiện xảo, khéo động lòng người. Ba là ngày đêm không gián đoạn, khiến cho Nhĩ Căn thuần thục. Bốn là chim còn có thể giải nói, khích động cái tâm thù thắng [của người nghe]).

 

Trong chú giải, Liên Trì đại sư đã nói rõ: Nếu dùng hình thái trong thế giới này để nhìn vào sự thuyết pháp của Phật Di Đà, có thể nói là Ngài đã nghệ thuật hóa sự dạy học đến mức tột đỉnh. Những gì chúng ta có thể tưởng tượng được thì Tây Phương Cực Lạc thế giới đều có toàn bộ, những phương pháp xảo diệu chúng ta chẳng thể tưởng tượng được, bên ấy cũng có! Điều này vô cùng chẳng thể nghĩ bàn! Từ kinh điển, chúng ta đọc thấy thế giới Cực Lạc là một pháp giới thuần nhất Bồ Tát; lại còn là pháp giới của Phổ Hiền Bồ Tát, quả thật cổ nhân tán thán Cực Lạc là có lý. Như Ngẫu Ích đại sư tán thán, các cao tăng Nhật Bản vào thời Tùy - Đường cũng tán thán, công nhận Tây Phương Cực Lạc thế giới là Viên Giáo của Viên Giáo, là Nhất Thừa của Nhất Thừa, là liễu nghĩa của liễu nghĩa. Từ Đại Kinh, chúng ta đã tương đối thấy được, chứng thực những lời các vị ấy nói trọn chẳng phải là quá lố! Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã nói: Nếu Bồ Tát chẳng tu Phổ Hiền Hạnh, sẽ chẳng thể viên mãn Vô Thượng Bồ Đề. Cũng có nghĩa là “nhất định phải dùng Phổ Hiền Hạnh thì mới có thể chứng đắc Phật quả trong Viên Giáo”. Chẳng do Phổ Hiền Hạnh, sẽ chẳng thể chứng Phật quả trong Viên Giáo. Nếu nói theo tông Thiên Thai, [không tu Phổ Hiền Hạnh], vẫn có thể chứng đắc Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật, và Biệt Giáo Phật, nhưng chẳng có cách nào [chứng đắc] Viên Giáo Phật! Tông Hiền Thủ cũng nói giống như vậy. Vì sao nhất định phải tu Phổ Hiền Hạnh? Vì tâm lượng Phổ Hiền là toàn thể Chân Như bổn tánh được hiển lộ toàn thể. Muốn chứng viên mãn Phật, nhất định phải có cái nhân này; [nếu] nhân và quả chẳng tương ứng, đương nhiên sẽ chẳng thể chứng đắc! Chúng ta phải thật sự hiểu rõ ràng, minh bạch điều này.

Chúng ta thấy lục trần trong Tây Phương Cực Lạc thế giới thuyết pháp, đoạn này nói về các loài chim thuyết pháp. Thông thường, chúng ta thấy chim thuộc súc sanh đạo, [nhưng] kinh đã nói rất rõ ràng, chúng do A Di Đà Phật biến hóa tạo ra. Hiện thời, người trong thế gian này cũng có thể tạo ra chim, nhưng tạo tác chẳng lý tưởng cho lắm, chẳng thể tạo giống hệt như chim thật. Khoa học kỹ thuật [trong thế gian này] chẳng bằng Tây Phương Cực Lạc thế giới! Chim trong Tây Phương Cực Lạc thế giới do A Di Đà Phật tạo ra giống hệt như chim thật sự. Những con chim ấy có thể thuyết pháp, thuyết pháp gì vậy? Quý vị muốn nghe pháp gì, chúng liền thuyết pháp ấy, chẳng thể nghĩ bàn! Chẳng phải là chỉ nói một, hai loại pháp, mà muốn nghe pháp nào, chúng bèn thuyết pháp đó. Do vậy có thể biết, chúng đã là do A Di Đà Phật biến hóa tạo thành, những con chim ấy [thuyết pháp] sẽ chẳng khác gì A Di Đà Phật vì đại chúng tuyên thuyết. Những người mới vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, số lượng đương nhiên là đông đảo, họ đến từ mười phương hết thảy các cõi Phật, không chỉ giới hạn trong thế giới Sa Bà, mà là người từ trong mười phương thế giới vãng sanh. Do mười phương hết thảy chư Phật đều vì chúng sanh mà tuyên giảng kinh A Di Đà, tuyên giảng pháp môn Tịnh Độ. Pháp môn này là pháp môn thành Phật ổn thỏa nhất, nhanh chóng nhất, khuyến khích mọi người niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Người mới vãng sanh đến đó chưa lâu, những tập khí trong quá khứ vẫn còn, vẫn còn có quan niệm lục đạo như trước kia, coi những con chim ấy như súc sanh đạo, tuy biết chúng do A Di Đà Phật biến hóa tạo ra.

Tạo ra những con chim thuyết pháp ấy, lại có ý nghĩa đặc biệt:

1) Thứ nhất là “điểu âm chi trung, tán Tam Bảo cố” (trong tiếng chim hót, có tiếng tán thán Tam Bảo). Ca ngợi Tam Bảo là nói tổng quát, Tam Bảo tượng trưng cho hết thảy các pháp môn do đức Như Lai đã tuyên thuyết. Hết thảy các pháp môn chẳng lìa tự tánh giác, chánh, tịnh. Các loài chim đều tán thán Tam Bảo, thì chúng ta tận đáy lòng càng phải nên tán thán. Điều này đã ban cho chúng ta một sự khải thị rất lớn.

/ 289