/ 289
470

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 164

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba trăm năm mươi ba.

 

(Sao) Tấn Lực giả, Tấn Căn tăng trưởng, năng phá thân tâm chủng chủng giải đãi, thành biện xuất thế chủng chủng sự nghiệp cố.

(Diễn) Tấn Căn tăng trưởng giả, tiền tuy hữu Tấn Căn, nhược vị hữu lực, tắc vô thỉ lai bất tu Tam Học, Lục Độ, chủng chủng giải đãi chủng tử, do năng phát sanh, đọa xuất thế chủng chủng sự nghiệp. Kim đắc Tấn Lực, tắc tinh tấn mãnh tướng, năng phục giải đãi ma quân, thành biện Tam Học, Lục Độ chư sự nghiệp cố.

(鈔) 進力者,進根增長,能破身心種種懈怠,成辦出世種種事業故。

(演) 進根增長者,前雖有進根,若未有力,則無始來不修三學六度,種種懈怠種子,猶能發生,墮出世種種事業。今得進力,則精進猛將,能伏懈怠魔軍,成辦三學六度諸事業故。

(Sao: Tấn Lực: Tấn Căn tăng trưởng, có thể phá các thứ giải đãi nơi thân tâm, thành tựu các thứ sự nghiệp xuất thế.

Diễn: Tấn Căn tăng trưởng: Trước kia, tuy có Tấn Căn, nhưng nếu chẳng có Lực, ắt các thứ chủng tử giải đãi chẳng tu Tam Học, Lục Độ từ vô thỉ đến nay vẫn có thể phát sanh, [khiến cho] các thứ sự nghiệp xuất thế bị thoái đọa. Nay đắc Tấn Lực, ắt mãnh tướng tinh tấn có thể hàng phục ma quân giải đãi, thành tựu các sự nghiệp Tam Học, Lục Độ).

 

Tuyệt đại đa số các đồng tu đều đầy đủ Ngũ Căn; tuy có Căn, nhưng chẳng đắc Lực, vì sao? Đôi khi còn có khá nhiều phiền não hiện tiền, chẳng thể nghiêm túc tu học; đó là tuy có Căn, nhưng chẳng có Lực. Thông thường, Phật môn nói là “thiện căn”. “Người nào đó có thiện căn”, “thiện căn” là nói tới Ngũ Căn: Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ. Tuy có thiện căn, nhưng chúng ta thường thấy họ thoái chuyển. Thậm chí, lúc mới học, Phật môn thường nói: “Bất thất sơ phát tâm, thành Phật hữu dư” (Chẳng đánh mất cái tâm đã phát thuở đầu, thành Phật có thừa). Dũng mãnh, tinh tấn, nhưng Tấn chẳng được bao lâu liền giải đãi, thoái chuyển, thậm chí đọa lạc, nguyên nhân là gì? Có Căn, nhưng chẳng có Lực. Do vậy, có thể biết, nếu Căn chẳng đắc Lực, chẳng thể thành tựu. Vì sao Căn chẳng đắc Lực? Có Căn, vì sao không thể tăng trưởng trở thành Ngũ Lực? Có quan hệ rất lớn với duyên: Chẳng gặp thiện tri thức, chẳng gặp thiện duyên. Tuy có Căn, gặp các ác duyên, người ấy liền bị thoái chuyển. Phàm các duyên khiến cho đạo nghiệp bị thoái chuyển, đều gọi là “ác duyên”. Ví như phát đại tâm, dũng mãnh, tinh tấn, thậm chí xuất gia, cũng giảng kinh, thuyết pháp, cuối cùng lui sụt, hoàn tục kết hôn, đó là “ác duyên”. Gặp ác tri thức, nói chẳng dễ nghe là gặp “oan gia đối đầu”, tục ngữ thường nói: “Chẳng phải oan gia, chẳng gặp gỡ”; gặp phải oan gia đối đầu! Chuyện này đã có kể từ thời Thích Ca Mâu Ni Phật, mỗi thời đại, mỗi xứ sở đều rất thường thấy. Chúng ta thấy rõ ràng, tuy người ấy có thiện căn, nhưng Căn ấy rất mỏng manh, chẳng có sức mạnh.

Trong chú giải đã định nghĩa rất rõ ràng, “Tam Học, Lục Độ”, Tam Học là Giới Học, Định Học, Huệ Học, chung cho Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa. Lục Độ là tiêu chuẩn tu hành của Bồ Tát. Nếu Tam Học, Lục Độ tăng trưởng, chứng tỏ Căn của người ấy có Lực. Tam Học, Lục Độ không thể tăng trưởng, [tức là] Căn ấy chẳng có Lực. Tấn chỉ giảng đến chỗ này, vì trong Ngũ Căn có Tấn, trong Ngũ Lực cũng có Tấn, Thất Bồ Đề Phần và Bát Thánh Đạo đều có Tấn, nhưng ý nghĩa khác nhau. Ở đây, Tấn hiểu theo nghĩa rộng là Tam Học, Lục Độ. Tấn trong Thất Bồ Đề Phần thì phải là Tinh Tấn, vì Thất Bồ Đề Phần có Trạch Pháp, chẳng phải là nói chung chung, mà là có [ý nghĩa] chuyên trì.

 

(Sao) Niệm Lực giả, Niệm Căn tăng trưởng, năng phá tà niệm, thành tựu nhất thiết xuất thế chánh niệm cố.

(鈔) 念力者,念根增長,能破邪念,成就一切出世正念故。

(Sao: Niệm Lực là Niệm Căn tăng trưởng, có thể phá tà niệm, thành tựu hết thảy chánh niệm xuất thế).

 

Niệm đắc lực, nói thật ra, chúng ta thường nói là công phu thật sự đắc lực, vì sao? Vọng niệm ít. Hiện thời, chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối vọng niệm tơi bời, tức là Niệm Căn chẳng đắc lực. Có rất nhiều đồng tu hết sức thẳng thắn, nói: “Tôi thật sự tin tưởng Tịnh Độ, nhưng vọng tưởng quá nhiều, càng niệm Phật, vọng tưởng càng nhiều. Niệm nhiều năm ngần ấy, dường như cũng chẳng giảm bớt”. Đó là Niệm Căn chẳng đắc lực. Nếu Niệm Căn hữu lực, vọng niệm tự nhiên ít đi; chữ “tà niệm” được nói ở đây chỉ vọng niệm. Chuyện này hãy nên tu theo cách nào? Nói thật ra, chúng ta quá vô ý, quá sơ sót đối với xứ cảnh trước mắt; vì thế, công phu chẳng sử dụng được. Ngũ Căn chẳng thể nhanh chóng nâng cao thành Ngũ Lực, chẳng biết sanh tử là chuyện lớn, chẳng biết vô thường nhanh chóng, chẳng biết lục đạo đáng sợ. Nếu con người có thể thường nghĩ đến những chuyện ấy, thưa cùng chư vị, mạng người quả thật hết sức mong manh. Nhất là trong xã hội hiện thời, chẳng biết tai nạn sẽ phát sanh lúc nào? Ai có thể bảo đảm “năm nào cũng như ý, năm nào cũng bình an”? Đó là một câu nói [có ý nghĩa chúc tụng] tốt lành, ai dám bảo đảm sẽ đạt được? Xét thế gian này, quý vị xem báo chí, nhật báo mỗi ngày, trên toàn thế giới, thời thời khắc khắc đều có tai nạn. Thấy những người ngộ nạn, lại nghĩ đến chính mình, một hơi thở ra không hít vào được nữa, sẽ như thế nào? Nhất là tai biến xảy ra liên tiếp như thế, chúng ta có phước báo to cỡ nào mà hòng may mắn thoát khỏi? Nếu có tâm cảnh giác như vậy, Ngũ Căn cũng rất dễ dàng tăng cao, có sức mạnh, Niệm bèn có Lực. Tấn chẳng có Lực, Niệm chẳng có Lực, là do đối với cảnh giới trước mắt coi nhẹ, xem thường. Lời chú giải có nói: “Thế gian ngũ dục lục trần tà niệm do vị tận trừ” (Hãy còn chưa trừ sạch ngũ dục, lục trần thế gian), nên chánh niệm không thể hiện tiền. Niệm Căn ắt phải có sức mạnh, vọng tưởng tạp niệm ít ỏi, công phu tu học của quý vị bèn đắc lực. Vì Ngũ Căn và Ngũ Lực chung cho Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa Phật pháp, chung cho hết thảy các pháp môn; ở đây chỉ nói một nguyên tắc, nguyên tắc ấy dùng chung cho cả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa Phật pháp.

/ 289