/ 289
323

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 143

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm lẻ sáu:

 

(Sao) Hựu tự tánh thuận vạn vật nhi vô tình, thượng hành tắc nhập thánh lưu, thánh vô sở tăng, hạ hành tắc nhập phàm lưu, phàm vô sở giảm, bất biến tùy duyên, châu biến pháp giới, sở vị “lưu chú hoa gian, cập chư lương đống” giả dã.

(鈔)又自性順萬物而無情,上行則入聖流,聖無所增;下行則入凡流,凡無所減。不變隨緣,周遍法界,所謂流注華間,及諸梁棟者也。

(Sao: Lại nữa, tự tánh thuận theo vạn vật nhưng vô tình. “Chảy lên trên” tức là nhập dòng thánh, thánh chẳng hề tăng. “Chảy xuống” là vào dòng phàm, phàm chẳng bị giảm. Bất biến nhưng tùy duyên, trọn khắp pháp giới. Đó gọi là “chảy luồn trong hoa và các kèo cột” vậy!)

 

Một chương kinh văn này giảng về “vô tình thuyết pháp”, hiển thị sự thù thắng của thế giới Tây Phương, hữu tình và vô tình cùng tuyên diệu pháp. Đoạn này nói theo lý luận. Có Lý thì mới có Sự. Hễ có Sự, nhất định có căn cứ lý luận. Có thể nói: Trong thế giới Tây Phương, Lý và Sự đều viên dung tột bậc, nên cổ đức thường bảo cảnh giới của kinh Di Đà và cảnh giới trong kinh Vô Lượng Thọ hoàn toàn là cảnh giới Hoa Nghiêm, tức là “tứ vô ngại pháp giới”, Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, là một pháp giới trọn đủ thập huyền và tứ vô ngại giống như kinh Hoa Nghiêm. Trong quá khứ, cư sĩ Bành Tế Thanh đã gọi kinh Vô Lượng Thọ là Trung Bổn Hoa Nghiêm, điều này rất có lý!

“Thuận vạn vật nhi vô tình giả” (thuận theo vạn vật, nhưng vô tình), “tình” (情) là nói tới hữu tình chúng sanh, tức là động vật, “vô tình” là thực vật và khoáng vật. Đây là cách phân chia của con người hiện thời. Nếu quý vị vạch một giới tuyến thật rõ ràng giữa hữu tình và vô tình sẽ khá khó khăn! Trong thực vật và khoáng vật cũng có hữu tình. Chúng ta phân chia theo các phương diện dễ thấy, bèn gọi những thứ dễ biểu lộ “mừng, giận, buồn, vui” là hữu tình. Đối với những thứ tuy có thể biểu hiện [những cảm xúc ấy], nhưng chẳng rõ rệt cho lắm, chúng ta bèn quy nạp chúng vào vô tình. Nếu chư vị học Duy Thức, sẽ hiểu rõ đạo lý này. Vì sao khó tách rời? Vì hữu tình và vô tình vốn là một Thể, nên khó tách bạch. Dẫu là hữu tình, kinh Kim Cang cũng nói rất hay: “Phàm những gì có hình tướng, đều là hư vọng”, “hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Nói xuyên suốt, hữu tình lẫn vô tình đều chẳng chân thật, chúng ta nhất định phải hiểu điều này. Thứ gì chân thật? Tự tánh của chúng ta là chân thật, nơi hữu tình chúng sanh, nó được gọi là Phật Tánh, đó là thật, vĩnh viễn chẳng bị biến đổi. Nơi vô tình, nó được gọi là Pháp Tánh. Tuy danh xưng khác nhau, nhưng trên thực tế là cùng một chuyện. Phật Tánh và Pháp Tánh là một tánh, chẳng phải là hai tánh, đó gọi là “nhất tánh, vô nhị tánh”. Nói theo kiểu hiện thời, nó chính là Bản Thể như trong triết học đã nói. Trong Phật pháp, bản thể của vạn hữu trong vũ trụ được gọi là Tánh. Hết thảy các pháp đều biến hóa từ Tánh.

Ở nơi ấy (Cực Lạc), tuy là vô tình, nhưng nước có thể chảy lên trên, mà cũng có thể chảy xuống dưới. Trong thế giới này của chúng ta, nước chỉ chảy xuống, chẳng chạy ngược lên. Nước trong cõi kia có thể chảy vòng quanh kèo cột, chẳng cần dùng đến sức mạnh của máy móc, nó tự mình chảy ngược lên trên. Ở đây, Liên Trì đại sư giải thích, nước chảy lên trên giống như chúng ta nhập bốn thánh pháp giới, dự vào hàng thánh nhân, đó gọi là “thượng hành tắc nhập thánh lưu”. “Chân Như tùy tịnh duyên, tắc vi tứ thánh” (Chân Như thuận theo tịnh duyên bèn trở thành bốn thánh pháp giới). Ở đây có ý nghĩa biểu thị pháp. Vì sao có lục phàm và tứ thánh? Do Chân Như bổn tánh của chúng ta tùy duyên, tùy thuộc quý vị thuận theo duyên nào. Quý vị thuận theo tịnh duyên bèn là thánh nhân, thuận theo nhiễm duyên bèn là phàm phu. Trong nhiễm duyên có thiện và ác; thuận theo thiện duyên bèn là ba thiện đạo, thuận theo ác duyên thì là ba ác đạo. Có thể thấy Phật pháp nói hết thảy các pháp được gọi là “duyên sanh”, điều này rất có lý. Trên thực tế, mấu chốt của mười pháp giới là duyên, tức là “tùy duyên”. Bất luận quý vị tùy thuận duyên nào, Chân Như bổn tánh bất biến. Quý vị tùy thuận thánh duyên, “thánh vô sở tăng”, [nghĩa là] Chân Như bổn tánh của quý vị trọn chẳng tăng thêm một chút gì. Quý vị thuận theo nhiễm duyên, bèn đọa lạc, trở thành phàm phu, nhưng Chân Như bổn tánh của quý vị cũng chẳng giảm chút nào!

/ 289