/ 289
438

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 139

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bổn, trang ba trăm lẻ một:

 

(Sớ) Bát công đức giả, Đường dịch vân: Nhất trừng tịnh, nhị thanh lãnh, tam cam mỹ, tứ khinh nhuyễn, ngũ nhuận trạch, lục an hòa, thất trừ cơ khát, bát trưởng dưỡng chư căn. Cụ bát chủng công đức, lợi ích chúng sanh dã.

(疏) 八功德者,唐譯云:一澄淨,二清冷,三甘美,四輕軟,五潤澤,六安和,七除肌渴,八長養諸根,具八種功德,利益眾生也。

(Sớ: “Tám công đức”, bản dịch đời Đường nói: Một là trong lặng, hai là mát lạnh, ba là ngọt ngào, bốn là mềm nhẹ, năm là nhuần thấm, sáu là an hòa, bảy là trừ đói khát, tám trưởng dưỡng các căn. Đủ tám thứ công đức, lợi ích chúng sanh).

 

Lời Sớ đã đem “tám thứ công đức” nêu ra từng chuyện một. Ở đây, [Liên Trì] đại sư trích dẫn bản “Đường dịch”, “Đường dịch” là bản dịch [kinh A Di Đà] của Huyền Trang đại sư. Chúng ta biết kinh A Di Đà có hai bản dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán, bản hiện thời chúng ta đang đọc do Cưu Ma La Thập đại sư phiên dịch, bản này được dịch vào đời Hậu Tần thuộc thời Đông Tấn. Đời Đường, Huyền Trang đại sư từ Ấn Độ trở về, cũng đem theo kinh A Di Đà bản tiếng Phạn, lão nhân gia cũng dịch bộ kinh này sang tiếng Hán, nhưng bản này chẳng được lưu thông đơn độc, rất ít người đọc đến. Nay chúng tôi đưa bản ấy vào Tịnh Độ Ngũ Kinh Độc Bổn, nên chư vị thấy trong Ngũ Kinh Độc Bổn có bản Đường dịch này. Cận đại, lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã kết hợp hai bản dịch của La Thập đại sư và Huyền Trang đại sư thành một bản, tức là bản hội tập. Bản ấy cũng có trong Ngũ Kinh Độc Bổn. Do vậy, Ngũ Kinh Độc Bổn là một điển tịch vô cùng hoàn bị của Tịnh Độ Tông. Hiện thời, mọi người đều đọc tụng bản của ngài La Thập, Ngài dịch hết sức hay!

Cận đại, đúng như đức Phật đã nói trong kinh Lăng Nghiêm: Thời kỳ Mạt Pháp, “tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, chúng ta phải đặc biệt lưu ý điều này, vì sao? Do tấm lòng tốt lành, phát tâm học Phật, nếu gặp phải một gã tà sư, quý vị không chỉ chẳng thể thành tựu Phật pháp, mà còn học trúng ma pháp, đi vào ma đạo, rất oan uổng! Vì sao tôi nói những lời này? Xưa kia, khoảng độ mười mấy năm trước, có một lần tôi đến Phật Quang Sơn, có những học trò tại Phật Quang Sơn hỏi tôi một vấn đề, vấn đề gì vậy? Họ nói có một pháp sư dạy học tại chỗ họ, bảo bọn họ Tây Phương Cực Lạc thế giới là chuyện chẳng có, cái gọi là “A Di Đà Phật” chính là thần mặt trời! Họ hỏi tôi: “Chuyện ấy xuất phát từ kinh nào?” Tôi đáp: “Tôi không biết! Thuở trước, tôi có xem qua Đại Tạng Kinh, nhưng chẳng có ấn tượng về chuyện ấy. Nếu quý vị hỏi chuyện này phát xuất từ bộ kinh nào, hãy đi hỏi vị pháp sư nói chuyện ấy”. Những chuyện này đều là bịa đặt, đồn thổi, hủy báng chánh pháp, tội lỗi khôn cùng! Người nói những lời lẽ đó chẳng phải chỉ có một gã ấy! Tôi ở Mỹ cũng từng nghe có kẻ nói kinh A Di Đà là ngụy tạo, chẳng thật.

May mắn là Huyền Trang đại sư từng đến Ấn Độ, Ngài cũng đem kinh này về. Huyền Trang đại sư có thể chứng minh cho chúng ta thấy: Kinh này là thật, chắc chắn chẳng phải là ngụy tạo. Nếu [bản dịch] kinh này của La Thập đại sư là ngụy tạo, nhất định là thuở ấy Huyền Trang đại sư đã phê phán rồi. Nói thật thà, động cơ (motivation) khiến cho Huyền Trang đại sư sang Ấn Độ cầu học là do hoài nghi những kinh điển đã phiên dịch [tại Trung Hoa vào thời ấy] chưa đủ chân thật, có thể là có những chỗ dịch chẳng đúng cho lắm, chẳng thể [diễn tả] trọn hết ý nghĩa của người giảng, nên Ngài mới qua Ấn Độ. Sau khi trở về nước, đối với những kinh điển do cổ đức đã phiên dịch, Ngài chẳng phê phán một câu nào. Nói cách khác, thảy đều thừa nhận những bản dịch của cổ đại đức chẳng sai lầm!

Khó có hơn nữa, một đại đồ đệ đắc ý của Ngài là Khuy Cơ đại sư. Khuy Cơ đại sư là tổ sư khai sơn của Pháp Tướng Duy Thức Tông của Trung Quốc. Pháp Tướng Duy Thức do Huyền Trang đại sư mang từ Ấn Độ về, truyền cho Trung Quốc, nhưng thành lập tông phái tại Trung Quốc là do công của đồ đệ Ngài. Khuy Cơ đại sư soạn chú giải cho kinh Di Đà, nhưng điều rất lạ lùng là Ngài chẳng dùng bản dịch của thầy, mà ngược lại, dùng bản dịch của Cưu Ma La Thập đại sư, điều này rất kỳ quặc! Người hiện thời vừa nhìn thấy điều này, [ắt sẽ phê phán] “học trò chẳng tôn kính thầy một tí nào!” Bản dịch của thầy tuyệt đối chẳng thể thua kém bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập. Nếu dịch kém hơn ngài Cưu Ma La Thập, sẽ chẳng cần phải dịch [thêm] bản [mới] này. Đương nhiên là dịch rất hay, nên bản ấy mới cùng tồn tại trong cõi đời! Thầy trò hai Ngài vẫn là vô cùng tôn trọng cổ đại đức, vẫn y như cũ dùng bản dịch của cổ đức đã được lưu thông. Thế hệ hiện thời chẳng làm được điều này. Từ điều này, ta có thể thấy đức hạnh của thầy trò Ngài. Người ta đúng là tự khiêm, tôn trọng người khác. Vì thế, bản chú giải kinh Di Đà của Khuy Cơ đại sư được lưu truyền cho tới ngày nay. Chúng ta trông thấy bản chú giải ấy, những lời bịa đặt kia chẳng cần phải đả phá mà tự sụp đổ!

/ 289