/ 289
426

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 116

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang hai trăm bốn mươi chín.

 

(Sớ) A Dật Đa giả, thử vân Vô Năng Thắng, tức Di Lặc Bồ Tát dã.

(疏) 阿逸多者,此云無能勝,即彌勒菩薩也。

(Sớ: A Dật Đa (Ajita), cõi này dịch là Vô Năng Thắng, tức là Di Lặc Bồ Tát).

 

Vị thứ hai trong Bồ Tát chúng là Di Lặc Bồ Tát.

 

(Sao) Di Lặc, thử vân Từ Thị, tánh dã, A Dật Đa, danh dã. Cụ túc đương vân Từ Vô Năng Thắng, dĩ tại mẫu thai trung, tức hữu từ tâm, cố dĩ danh tộc.

(鈔)彌勒,此云慈氏,姓也,阿逸多,名也。具足當云慈無能勝,以在母胎中,即有慈心,故以名族。

(Sao: Di Lặc (Maitreya) cõi này dịch là Từ Thị, đó là họ. A Dật Đa là tên. Nói đầy đủ sẽ là Từ Vô Năng Thắng, do khi ở trong thai mẹ, bèn có từ tâm, vì thế, lấy họ như thế).

 

Ở đây, tổng cộng có sáu điều giải thích, đây là điều thứ nhất. Từ Vô Năng Thắng là nói đến từ bi. Trong Phật môn, thông thường nói từ bi có ba thứ, hoặc nói tới bốn thứ. Trong bốn thứ, thì:

1) Loại thứ nhất là Ái Duyên Từ, loại này phàm phu chúng ta đều có. Chúng ta thích kẻ khác, bèn đối xử rất từ bi với kẻ ấy, đó là Ái Duyên Từ, tâm lượng rất nhỏ, giống như cha mẹ đối với con cái.

2) Loại thứ hai là Chúng Sanh Duyên Từ, phạm vi mở rộng, như tâm lượng của bậc thánh hiền, quân tử trong thế gian tương đối lớn, như ông Phạm Trọng Yêm đã nói: “Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu” (dùng lòng yêu thương đối với người già của ta để đối đãi người già của người khác, dùng lòng yêu thương đối với trẻ nhỏ của chính ta để yêu thương trẻ nhỏ của người khác). Đấy là Chúng Sanh Duyên Từ, tâm lượng lớn hơn.

3) Thứ ba là Pháp Duyên Từ. Pháp Duyên Từ là quan sát tự tánh của hết thảy các pháp bình đẳng, xuất phát từ cái tâm bình đẳng mà bình đẳng quán hết thảy chúng sanh. Bồ Tát mới có lòng Từ này, vì Ngài đã thật sự liễu giải Thật Tướng của các pháp. Do vậy, tâm từ bi này phải sâu và lớn hơn Chúng Sanh Duyên Từ.

4) Thứ tư là Vô Duyên Từ, vô điều kiện, Như Lai mới có lòng từ bi này, đó gọi là chứng đến quả vị rốt ráo. Như Lai từ bi đối với hết thảy chúng sanh chẳng đòi hỏi một điều kiện nào. Bồ Tát còn có điều kiện, Pháp Duyên Từ còn có điều kiện, Phật chẳng có điều kiện. Đây là lòng từ bi thù thắng nhất.

Di Lặc là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Từ Bi. Khi Ngài ở trong thai mẹ đã có tâm từ bi, nên dòng họ Ngài dùng danh xưng này làm họ. Nói theo kiểu này chính là lòng Từ tự lợi, vì Ngài còn ở trong thai mẹ chưa sanh ra. Cũng có thể nói từ tâm ấy là lòng Từ hiện tại, từ tâm hiện tại, từ tâm tự lợi. Thông thường, chúng ta nói đến từ bi đều là lợi tha, đều nói theo phương diện lợi tha, chẳng biết từ tâm có thể tự lợi. Lòng người từ bi đến cùng cực, sẽ có thể hóa giải hết thảy độc hại, chẳng điều gì có thể tổn hại người ấy được, từ tâm mà! Ý nghĩa thứ hai:

 

(Sao) Hựu quá khứ sanh trung, ngộ Đại Từ Như Lai, nguyện đồng thử hiệu, tức đắc từ tâm tam-muội.

(鈔)又過去生中,遇大慈如來,願同此號,即得慈心三昧。

(Sao: Lại nữa, trong đời quá khứ, gặp Đại Từ Như Lai, nguyện có cùng danh hiệu ấy, liền đắc từ tâm tam-muội).

 

Ý nghĩa thứ hai vô cùng rõ rệt. Trong đời quá khứ, Ngài tu Bồ Tát đạo, gặp một vị Phật có hiệu là Đại Từ, nên gọi là Đại Từ Như Lai. Ngài phát nguyện, mong đời đời kiếp kiếp trong tương lai có cùng nguyện, cùng hạnh với Phật. Nguyện ấy quả nhiên chẳng hư dối, sau này, khi Ngài làm Bồ Tát, đời đời kiếp kiếp quả nhiên đắc danh hiệu ấy. Danh hiệu ấy nhìn từ hình tướng là do vị Phật trong quá khứ, trên thực tế, Ngài tu Từ Tâm tam-muội, tâm địa vĩnh viễn từ bi. Bất luận trong thuận cảnh hay nghịch cảnh đều một mực từ bi, nên gọi là Từ Tâm tam-muội. Trong quá khứ, rất nhiều vị Bồ Tát đều học theo Phật. Trong kinh Lăng Nghiêm, chúng ta thấy Quán Thế Âm Bồ Tát gặp gỡ cổ Quán Âm Phật, cũng mong mỏi đồng hạnh, đồng nguyện với Quán Âm Phật, nên đời đời kiếp kiếp làm Quán Âm Bồ Tát. Tình hình như vậy, chẳng phải chỉ mình Di Lặc Phật, mà rất nhiều vị có tình hình như vậy. Ý nghĩa thứ ba là:

 

(Sao) Hựu tích vi Bà La Môn, hiệu Nhất Thiết Trí, ư bát thiên tuế, tu tập từ hạnh.

(鈔)又昔為婆羅門,號一切智,於八千歲,修習慈行。

(Sao: Lại nữa, xưa kia Ngài là Ba La Môn, hiệu là Nhất Thiết Trí, trong tám ngàn năm, tu tập hạnh từ bi).

/ 289