/ 289
441

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 43

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm mươi ba:

(Sớ) Lương diêu thế xuất thế gian, vô nhất pháp xuất ư tâm ngoại. Tịnh Độ sở hữu y báo, chánh báo, nhất nhất giai thị Bổn Giác diệu minh. Thí chi bình, hoàn, thoa, xuyến, khí khí duy kim. Khê, giản, giang, hà, lưu lưu nhập hải, vô bất tùng thử pháp giới lưu, vô bất hoàn quy thử pháp giới dã.

(疏)良繇世出世間,無一法出於心外,淨土所有依報正報,一一皆是本覺妙明。譬之瓶環釵釧,器器唯金。溪澗江河,流流入海。無不從此法界流,無不還歸此法界也。

(Sớ: Ấy là vì trong thế gian lẫn xuất thế gian, không một pháp nào ra ngoài tâm. Tất cả y báo và chánh báo của Tịnh Độ, mỗi thứ đều là Bổn Giác diệu minh. Ví như bình, vòng, thoa, xuyến, món nào cũng chỉ là vàng. Khe, suối, sông, rạch, dòng nào cũng đều đổ vào biển, không gì chẳng từ pháp giới này lưu xuất, không gì chẳng trở về pháp giới này).

 

Bắt đầu xem từ đoạn này, đại ý của đoạn này đã nói trong lần trước, nhưng vì thời gian hạn chế nên tôi không thể giảng cặn kẽ được. Lần này, các vị đồng tu muốn tôi nói cặn kẽ hơn một chút. Do vậy, chúng ta lại bắt đầu xem từ chỗ này. Chỉ thú của đoạn này chẳng khác gì kinh Hoa Nghiêm. Hôm nay, các đồng tu nghe giảng phần mở đầu kinh Hoa Nghiêm, nghe giảng hai đoạn đầu trong phần Năm Tầng Huyền Nghĩa (Ngũ Trùng Huyền Nghĩa), ngày mai mới có thể thảo luận các phần Hiển Thể, Minh Tông, và Luận Dụng, nhưng đã có thể thấy được ý nghĩa rồi! Những điều này toàn là cảnh giới đích thân chứng nhập của Phật và đại Bồ Tát nơi quả địa. Đấy mới gọi là pháp giới chân thật. Thường là đối với những cảnh giới giống như thế này, khi chúng ta mới tiếp xúc, ắt cảm thấy nghi hoặc vì chúng hoàn toàn khác với kiến thức và sự thấy nghe thông thường của chúng ta. Chúng ta đã quen với cảnh giới hư vọng, từ nhiều kiếp lâu xa đến nay đã dưỡng thành thói quen, nay đức Phật giảng lẽ chân thật, đâm ra chúng ta rất khó tiếp nhận! Hy vọng các đồng tu học Phật huân tập lâu ngày sẽ có thể dần dần khế nhập, nhưng điều quan trọng nhất là quý vị đích thân chứng đắc cảnh giới này thì mới là thụ dụng chân thật.

Trước hết, chúng ta phải tin tưởng. Do vậy, các bộ kinh lớn thường nói: “Tín vi đạo nguyên, công đức mẫu” (Lòng tin là nguồn đạo, là mẹ của các công đức). Trước hết phải tin tưởng, đức Phật quyết định chẳng dối gạt chúng ta. Đức Phật chế định căn bản đại giới là “bất vọng ngữ” thì làm sao đức Phật có thể dối gạt chúng ta được? Cũng có người nói: “Cũng có khi vì thiện ý đức Phật mà nói dối, mong chúng ta cảm thấy được an ủi!” Nếu quý vị nghĩ là thiện ý thì cách nghĩ ấy cũng sai bét rồi! Dẫu vì thiện ý, đức Phật cũng chẳng dùng đến vọng ngữ. Vì trong Phật pháp, nếu chúng ta phát hiện đức Phật đã từng nói dối một lần, tín tâm của chúng ta đối với đức Phật sẽ bị giảm bớt. Vì sao? Đức Phật đã từng nói dối một lần, đại khái là lần này chúng ta cũng khó thể tin cậy được! Tình hình này giống như trong thế gian, người Trung Quốc thường nói: “Quân tử còn chẳng chịu làm, huống hồ Phật, Bồ Tát?” Vì thế, kiến lập tín tâm hết sức trọng yếu. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nói pháp môn nào, chắc chắn đức Phật chẳng nói dối một chữ, đúng như trong kinh Kim Cang, Ngài đã nói: “Như Lai thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất dị ngữ giả, bất cuống ngữ giả” (Như Lai là bậc nói lời thật, nói đúng như thật, chẳng nói sai khác, chẳng nói dối). Điều này khiến cho chúng ta có tín tâm to lớn không gì bằng. Vì thế, đầu tiên là phải tin tưởng.

Lòng tin trong Phật pháp không phải là mê tín. Tin rồi, nhất định phải cầu giải (thấu hiểu). Nói cách khác, chúng ta tin tưởng chuyện này, về mặt Sự thì hợp lý, có căn cứ lý luận. Sau khi đã hiểu rõ Lý, vẫn chưa phải là hết, còn phải chứng thực. Nếu chẳng đích thân chứng đắc, lòng tin ấy chẳng phải là lòng tin chân chánh. Phật pháp khác biệt các tôn giáo khác ở chỗ này. Phật pháp là phải cầu chứng, phải nhất định đích thân chứng thực những gì đã tin. Thật sự có thế giới Tây Phương, nơi ấy cũng thật sự có, mà cũng thật sự có thể chứng đắc được. Trong quá khứ, không phải ở Ấn Độ, mà ở Trung Quốc, quý vị đọc những điều được ghi chép trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, quả thật có người lúc vãng sanh bèn chứng đắc [cõi Cực Lạc].

Người thứ nhất nói rõ cho chúng ta biết là Huệ Viễn đại sư thời Đông Tấn. Ngài sống cùng thời đại với những danh nhân trong lịch sử Trung Quốc như Đào Uyên Minh, Tạ Linh Vận... Trong thời ấy, Cưu Ma La Thập đại sư cũng đến Trung Quốc vào lúc đó. Các vị này đều là những người rất nổi tiếng. Ngài Huệ Viễn lập Liên Xã tại Lô Sơn cùng với các đồng tu chí đồng đạo hợp niệm Phật. Do vậy, Tịnh Độ Tông do lão nhân gia kiến lập đầu tiên, liên xã của Ngài là liên xã đầu tiên của Trung Quốc, Ngài là tổ sư đời thứ nhất của Tịnh Độ Tông. Khi Ngài vãng sanh đã nói rõ cùng đại chúng đồng tu: Khi Ngài niệm Phật (Ngài suốt đời niệm Phật), từng ba lượt thấy thế giới Tây Phương hiện ra trước mặt. Ngài không nằm mộng, mà là đang trong lúc chỉ tịnh khi niệm Phật.

/ 289