/ 289
614

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 30

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba mươi bảy:

 

(Tự) Cái diêu niệm không chân niệm, sanh nhập vô sanh, niệm Phật tức thị niệm tâm.

(序) 蓋繇念空真念。生入無生。念佛即是念心。

(Tựa: Ấy là vì niệm rỗng rang mọi đối đãi sẽ là chân niệm, từ sanh tử nhập Vô Sanh, niệm Phật chính là niệm tâm).

 

Hôm qua chúng tôi đã giảng ba câu này, hôm nay lại tiếp tục đọc đoạn văn kế tiếp.

 

(Tự) Sanh bỉ bất ly sanh thử, tâm, Phật, chúng sanh nhất thể, trung lưu lưỡng ngạn bất cư, cố vị: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”.

(序)生彼不離生此。心佛眾生一體。中流兩岸不居。故謂自性彌陀。唯心淨土。

(Tựa: Sanh về cõi kia chẳng lìa sanh trong cõi này. Tâm, Phật và chúng sanh cùng một Thể, chẳng ở giữa dòng và hai bên, nên nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”).

 

Ý nghĩa được bao hàm trong đoạn tổng kết này hết sức sâu rộng, chúng ta nên đặc biệt chú ý, bất luận là đối với Giải hay Hạnh đều có ích rất lớn.

(Diễn) Sanh bỉ sanh thử giả, ký đáo vô sanh điền địa, tắc kỳ Tịnh Độ dĩ vô bỉ thử.

(演)生彼生此者,既到無生田地,則其淨土已無彼此。

(Diễn: “Sanh cõi kia, sanh trong cõi này”: Đã đến địa vị Vô Sanh thì Tịnh Độ chẳng có đây hay kia).

 

Hai câu này là nói theo Lý, xác thực là như thế. Như trong phần trên đã nói, phải nhất tâm mới có thể chứng đắc Vô Sanh Nhẫn. Trong nhất tâm, không có phân biệt, không có chấp trước, không có vọng tưởng. Đã tách lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, đâu còn có đây hay kia? Nếu có đây hay kia, sẽ là có phân biệt, có chấp trước, chẳng phải là nhất tâm, cũng chẳng phải là Tịnh Độ.

Chúng ta nhất định phải hiểu đạo lý này. Nói cách khác, công phu niệm Phật của chính mình có tiến bộ hay không, niệm Phật đắc lực hay không đều phải kiểm nghiệm từ chỗ này. Trong hết thảy cảnh duyên, tâm phân biệt của chúng ta có nhạt được mấy phần hay không, tâm chấp trước có nhẹ hơn so với quá khứ hay không. Từ chỗ này, mới có thể thấy được công phu.

Thế nhưng về mặt Sự, có Sa Bà hay không? Có Cực Lạc hay không? Có! Lý chẳng ngại Sự, Sự chẳng ngại Lý, Lý - Sự vô ngại. Niệm đến nhất tâm, Tây Phương là Tịnh Độ, cõi này cũng là Tịnh Độ, vì trong hết thảy cảnh giới, quý vị đều chẳng nhiễm trước, cho nên chẳng có một nơi nào chẳng phải là Tịnh Độ. Cũng có đồng tu hỏi: “Đã toàn là Tịnh Độ, ta cần gì phải về Tây Phương Cực Lạc thế giới?” Nếu quý vị khởi lên ý niệm ấy, chứng tỏ quý vị chưa chứng đắc Tịnh Độ. Vì sao? Quý vị vẫn còn phân biệt đây - kia, quý vị vẫn hoàn toàn chưa bỏ được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

 

(Diễn) Du thần ức sát, thật sanh hồ tự kỷ tâm trung.

(演) 遊神億剎,實生乎自己心中。

(Diễn: Thần thức ngao du ức cõi nước, nhưng thật sự sanh trong tâm của chính mình).

 

“Sát” (kṣetra) là sát-độ (cõi nước) của chư Phật, trên mặt Sự, quả thật là có. Chỉ cần quý vị chứng đắc nhất tâm sẽ có vô lượng vô biên thần thông, có thể trong khoảng khảy ngón tay, phân thân trong vô lượng vô biên cõi nước, vì vô lượng vô biên cõi nước chẳng tách rời cái tâm của chính mình, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”.

 

(Diễn) Dựng chất cửu liên, phỉ đào hồ sát-na tế nội.

(演) 孕質九蓮,匪逃乎剎那際內。

(Diễn: Hoài thai trong sen chín phẩm, chưa đầy trong khoảng sát-na).

 

Sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là liên hoa hóa sanh. “Cửu liên” là hoa sen chia thành chín phẩm. Tùy thuộc mức độ công phu của mỗi người mà hiện ra sai khác. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là chuyện trong khoảng một sát-na. Do vậy mới nói:

 

(Diễn) Bỉ tức thị thử, thử tức thị bỉ, bỉ thử vô phân, vân sanh bỉ bất ly sanh thử.

(演)彼即是此,此即是彼,彼此無分,云生彼不離生此。

(Diễn: Kia chính là đây, đây chính là kia, đây - kia không chia cách, nên nói: “Sanh về kia, chẳng rời sanh nơi đây”).

 

Câu này có ý nghĩa rất sâu, mười phương thế giới quả thật chẳng hai, chẳng khác, một mực thanh tịnh, người vừa đắc Lý nhất tâm sẽ thấy cảnh giới này. Nó cũng là cảnh giới của Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Thế nhưng từ Sơ Trụ tiến đến quả địa (Phật quả), còn một khoảng cách khá dài. Trong tình hình ấy, tu học trong thế giới Tây Phương đặc biệt thuận tiện, thành tựu dễ dàng. Do vậy, hàng Bồ Tát trong mười phương thế giới, không vị nào chẳng chọn lựa thế giới Cực Lạc, đạo lý là ở chỗ này! Đây chính là nói: Trong hết thảy cảnh giới, tâm quý vị cố nhiên một mực bình đẳng, nhưng Tăng Thượng Duyên khác nhau. Thế giới Tây Phương có Tăng Thượng Duyên đặc biệt thù thắng, có thể giúp cho quý vị thành tựu vừa nhanh chóng, vừa ổn thỏa, thích đáng. Trong cảnh giới ấy, quyết định chẳng phân chia cõi này, cõi kia. Nếu vẫn còn có ý niệm ấy, sẽ chẳng phải là Lý nhất tâm bất loạn, chẳng phải là cõi Thật Báo Trang Nghiêm.

/ 289