/ 289
672

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 28

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang ba mươi lăm:

Nhị, quả chứng.

(Tự) Nãi tri phỉ ly khuể bộ, bảo trì dũng tứ sắc chi hoa. Bất xuất hộ đình, kim địa nhiễu thất trùng chi thụ. Xứ xứ Di Đà thuyết pháp, thời thời liên nhụy hóa sanh. Trân cầm dữ thứ điểu giai âm, quỳnh viện cộng mão đường tịnh thái.

二果證。

(序)乃知匪離跬步,寶池涌四色之華。不出戶庭,金地遶七重之樹。處處彌陀說法,時時蓮蕊化生。珍禽與庶鳥偕音,瓊院共茆堂並彩。

(Hai, chứng quả.

Tựa: Bèn biết: Chẳng lìa nửa bước, hoa bốn màu trổ nơi ao báu. Chẳng ra khỏi cửa, khỏi sân, bảy hàng cây vây quanh đất vàng. Chốn chốn Di Đà thuyết pháp, thời thời hóa sanh trong hoa sen. Chim quý cùng chim thường hòa tiếng hót nhịp nhàng, viện quỳnh cùng lều tranh cùng nhau khoe sắc).

 

Trong đoạn văn này có bốn tiểu đoạn. Hai câu đầu trong đoạn thứ nhất đã được giới thiệu trong phần trước. Hôm nay chúng ta xem tiểu đoạn thứ hai, tức là “bất xuất hộ đình, kim địa nhiễu thất trùng chi thụ”. Đối với phần lời Tựa, phải đọc kỹ Sớ Sao và Diễn Nghĩa rồi mới hiểu được những nghĩa lý huyền diệu, có thể nói là từng câu từng chữ đều ban cho chúng ta những khơi gợi rất lớn. Những điều này hoàn toàn thuộc về cảnh giới Lý nhất tâm bất loạn, mà cũng là những điều được nói trong kinh Hoa Nghiêm, tức “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, chúng ta thường gọi [cảnh giới ấy] là Nhất Chân pháp giới. Trong bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa đều giải thích những điều ấy.

 

(Diễn) Hộ đình nhiễu thụ giả.

(演) 戶庭繞樹者。

(Diễn: “Cửa, sân, hàng cây vây quanh” là...)

 

“Hộ đình” là chỗ rất gần. Hộ (戶) là cánh cửa, phía bên ngoài cửa là sân (đình viện). Đây là kiến trúc của Trung Quốc thuở trước, đương nhiên khác với chung cư hiện thời. Hiện thời chúng ta có cửa, nhưng không phải nhà nào cũng có sân.

 

(Diễn) Vị giác lâm tăng trưởng, đạo thụ tư vinh. Trưởng dưỡng chúng thiện chi Thể, tùy xứ phát hiện dã.

(演)謂覺林增長,道樹滋榮,長養眾善之體,隨處發現也。

(Diễn: Ý nói: Rừng giác tăng trưởng, cây đạo tốt tươi. Nuôi dưỡng lớn cái Thể của các điều thiện, nó sẽ hiển lộ ở mọi nơi).

 

Đây là giảng giải ý nghĩa. Trong thế giới Tây Phương, đất bằng vàng ròng, do vậy, gọi là “kim địa”. Trên mặt đất, kinh đã nói rất cặn kẽ, có bảy tầng hàng cây, bảy tầng lưới chăng, đây là nói về sự trang nghiêm trên mặt đất. Chữ “thất” trong “thất trùng” (bảy tầng) tượng trưng cho ý nghĩa viên mãn, hoàn toàn chẳng phải là con số. Nếu quý vị nghĩ nó là con số thì lầm mất rồi! Nếu chúng ta nhìn vào một chỗ nào mà tất cả nhà cửa đều giống nhau, quý vị nghĩ xem nó có dễ coi hay không? Không có gì dễ coi cả! Thế nào là viên mãn? Trong tâm chúng ta vui thích như thế nào, nó bèn xuất hiện đúng như thế ấy, đó gọi là viên mãn. Nói cách khác, trong thế giới Tây Phương chẳng có chuyện gì không vừa lòng, không có một sự vật nào chẳng xứng ý. Hoàn cảnh ấy quả thật trang nghiêm đến cùng cực. Nhìn ngược lại hoàn cảnh của chúng ta hiện thời, hoàn cảnh lý tưởng mà tâm chúng ta thường mong mỏi chẳng dễ gì đạt được, không có được! Hoàn cảnh chẳng vừa ý, chẳng xứng lòng mà chúng ta muốn rời khỏi cũng chẳng dễ gì bỏ được. Đấy chính là: “Hảo nan cầu, ác nan khiển” (Điều tốt khó cầu, điều xấu khó gạt bỏ), đâu có thứ gì cũng xứng lòng thỏa ý như trong thế giới Tây Phương! Chữ “thất” biểu thị xứng tâm như ý, tượng trưng cho sự viên mãn, có cùng một ý nghĩa với chữ “thập” trong kinh Hoa Nghiêm, đều nhằm biểu thị ý nghĩa viên mãn.

“Giác lâm”, “đạo thụ” đều nhằm tỷ dụ thân tâm của chính mình; hai câu này ý nói trí huệ tăng trưởng, công đức dồi dào, vô lượng vô biên trí huệ, vô lượng vô biên đức năng. “Trưởng dưỡng chúng thiện chi Thể”: “Thể” là bổn tánh của chính mình. Chân tánh là Thể của muôn điều thiện. Từ chỗ này, chúng ta cũng có thể thấu hiểu chân tánh là cái Thể chí thiện. Nếu trong tâm chúng ta có mảy may bất thiện nào, chứng tỏ chân tánh của chúng ta đang bị mê, không ngộ! Nếu chân tánh là giác, nhất định sẽ thuần thiện, không có mảy may điều ác nào. Chân tánh là thanh tịnh, quyết chẳng có một tạp niệm nào!

Chúng ta gọi thế gian này là thế giới Sa Bà, thế giới này là thế giới ô nhiễm. Người tu đạo nếu khéo vận dụng hoàn cảnh thì nơi đây chính là chỗ tu hành tốt nhất. Nếu chẳng khéo vận dụng hoàn cảnh, thưa quý vị, không ai chẳng đọa lạc. Tuy nói là sáu đường, ba đường lành ví như “ngoi đầu ra”, ba đường ác ví như “chìm lỉm”, nhưng nói thật ra, thời gian chúng sanh ở trong ba đường lành hết sức ngắn ngủi, tạm bợ, thời gian trong ba đường ác cực dài. Đây đều là chân tướng sự thật trong thế giới Sa Bà. Khéo vận dụng hoàn cảnh này để làm đạo tràng tu hành cho chính mình thì xưa nay đã có khá nhiều tấm gương. Những vị ấy ở trong thế giới ngũ dục lục trần phồn hoa mà có thể bỏ, có thể buông xuống được. Hôm qua chúng ta đã đọc câu “hưu chi hựu hưu”, tức là đã tinh tấn lại càng tinh tấn hơn, đã buông xuống lại càng buông xuống hơn.

/ 289