/ 289
617

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 5

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, dòng thứ ba trang thứ năm:

 

(Diễn) Tịnh nghiệp giả, nghiệp cư khổ chi tiên, phiền não chi hậu. Thập pháp giới bất đồng, giai do sở tác chi nghiệp bất đồng. Cổ vân: “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong”. Hựu vân: “Phật thập lực trung, nghiệp lực thậm thâm”. Hựu vân: “Thập phương chư quốc độ, giai y nghiệp lực sanh”. Cố nghiệp bất khả bất tịnh.

(演)淨業者,業居苦之先,煩惱之後。十法界不同,皆由所作之業不同。古云,假使百千劫,所作業不亡。又云,佛十力中,業力甚深。又云,十方諸國土,皆依業力生。故業不可不淨。

(Diễn: Tịnh nghiệp: Nghiệp ở trước khổ, ở sau phiền não. Mười pháp giới khác nhau đều do tạo nghiệp khác nhau. Cổ nhân nói: “Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp đã làm chẳng mất”. Lại nói: “Trong Thập Lực của Phật, nghiệp lực rất sâu”. Lại nói: “Các cõi nước trong mười phương đều nương theo nghiệp lực mà sanh”. Vì thế, nghiệp chẳng thể không thanh tịnh).

 

Đoạn này khá quan trọng, chúng ta phải đặc biệt lưu ý, vì tu pháp môn này phải tu “tịnh nghiệp”. Nếu chẳng hiểu rõ định nghĩa của tịnh nghiệp, đương nhiên tu hành sẽ có chướng ngại. Nghiệp là gì? Ở đây, đại sư giải thích: Nghiệp “ở trước khổ”, khổ là nói về quả báo, tức là quả báo trong tam giới. Quý vị phải hiểu, cả ba cõi đều khổ, đừng nghĩ là có vui. Nếu quý vị nghĩ trong ba cõi có niềm vui thì quý vị đã nhìn lầm rồi! Trong ba cõi không có vui, chỉ có khổ. Trong Dục Giới có ba thứ khổ, có tám thứ khổ, trong các cõi trời thuộc Sắc Giới có Hành Khổ và Hoại Khổ. Dù sanh lên các tầng trời thuộc Vô Sắc Giới, không còn thân hình, nay chúng ta gọi là “linh giới”, trong linh giới ngay cả sắc tướng cũng không có, nhưng họ vẫn có Hành Khổ. Do vậy, nói: “Cả ba cõi đều khổ!” Đấy là chân tướng sự thật. Nếu nghĩ ba cõi có vui thì là mê hoặc. Quả báo trong tam giới gọi là Khổ Báo, chữ Khổ này chỉ quả báo trong tam giới lục đạo. Nghiệp ở trước quả báo, vì tạo nghiệp thì mới có quả báo; nhưng kinh còn dạy chúng ta: Tạo tác thiện nghiệp, có quả báo trong ba đường lành; tạo ác nghiệp, có quả báo trong ba đường ác. Bất luận thiện hay ác đều là khổ, ba đường lành cũng khổ. Chúng ta hiện đang ở trong nhân đạo, con người có khổ hay không? Ngày nay chúng ta làm người, nếm đủ mùi vị làm người, con người khổ sở lắm! Chư thiên theo như kinh Phật đã nói: Dục Giới Thiên có nỗi khổ Ngũ Suy[1], trời Sắc Giới và Vô Sắc Giới có nỗi khổ chết đi đọa lạc, tức là chết rồi sẽ bị đọa lạc.

Ở đây, sách Diễn Nghĩa viết: Nghiệp ở trước nỗi khổ quả báo, ở sau phiền não. Không có phiền não sẽ chẳng tạo nghiệp. Phiền não là mê hoặc. Nghiệp ở giữa “Hoặc, Nghiệp, Khổ”. Hễ nói đến Nghiệp thì trước nó là Hoặc, sau nó là Khổ, [Hoặc và Khổ] đều được bao gồm trong ấy. Phật pháp không chỉ nói đến một mình Nghiệp, hễ nói đến Nghiệp là nói đến Hoặc - Nghiệp - Khổ, chúng ta phải hiểu rõ điều này. Phiền não có rất nhiều loại, có Kiến Tư Phiền Não, Trần Sa Phiền Não và Vô Minh Phiền Não. Ba loại phiền não này, đặc biệt là Kiến Tư Phiền Não, chính là nhân duyên luân hồi trong lục đạo tạo nghiệp, hứng chịu quả báo, chúng ta phải đặc biệt lưu ý. Phải đoạn Kiến Tư Phiền Não thì mới có thể vượt thoát luân hồi. Sách Yếu Giải nói đến “Ngũ Trược ác thế”, đặc biệt thảo luận cặn kẽ hai món Kiến Trược và Phiền Não Trược chính là vì đạo lý này. Đấy là Kiến Tư Phiền Não.

“Thập pháp giới bất đồng, giai do sở tác chi nghiệp bất đồng” (Mười pháp giới sai khác đều do nghiệp đã tạo sai khác): Đây là chỉ bày rõ ràng mười pháp giới do đâu mà có? Do nghiệp lực mà bản thân chúng ta đã gây tạo hiển hiện. Pháp giới vốn chỉ có Nhất Chân, không có mười pháp giới. Nhất Chân biến thành mười pháp giới, biến như thế nào? Do tạo nghiệp bất đồng, quả báo biến hiện bất đồng. Trong các bộ kinh lớn đã nêu ra một nguyên tắc chung: Căn cứ lý luận tối cao trong sự tu học Phật pháp là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Nhìn từ phương diện “duy tâm sở hiện” thì gọi là Nhất Chân pháp giới, nhìn từ phương diện “duy thức sở biến” thì gọi là mười pháp giới. Chuyện này quả thật chẳng dễ hiểu cho lắm, chẳng dễ lãnh hội. Chúng ta hãy nhìn vào màn hình của TV. Trong giảng đường này, quý vị đều có thể nhìn thấy, những tướng được hiện trên màn hình ví như Nhất Chân pháp giới. Tướng hiện ra, nói đơn giản là “hiện tướng”, bất luận là hiện tướng gì, tướng ấy đều là tướng bình đẳng. Những tướng ấy biến hóa trong màn hình là do duy thức biến, thức biến tại nơi ấy. Thức có thể biến, tâm có thể hiện. Có thể hiện thì quyết định bình đẳng, trong ấy không phân biệt, không chấp trước, gọi là Nhất Chân. Nếu là cái được hiện, cái được biến thì sao? Mỗi một ống kính trong ấy đều có biến hóa, đều có những động tác khác nhau; đó gọi là “duy thức sở biến”. Vì vậy Năng Hiện và Sở Hiện là Nhất Chân, Năng Biến và Sở Biến là mười pháp giới, do đã tạo nghiệp khác nhau. Nghiệp đã tạo muôn ngàn sai khác, nói chẳng hết; chẳng những chúng ta không có cách nào tưởng tượng được, mà chư Phật, Bồ Tát cũng chẳng có cách gì nói trọn hết được!

/ 289